CBOT: Giá dầu đậu tương tăng vọt lên mức cao nhất kể từ 2016 đến nay

Phần lớn tất cả mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT vẫn tiếp tục tăng trong phiên hôm qua, ngoại trừ mức giảm của khô đậu tương do áp lực trái chiều với giá dầu đậu tương.

Hầu như không có thêm thông tin cơ bản nào mới trong phiên hôm qua, vì thế giá các mặt hàng nông sản chủ yếu đi theo xu hướng hiện tại, cùng với phản ứng tại các mức hỗ trợ – kháng cự nhờ lực mua bán kỹ thuật.

Đậu tương hầu như chỉ đi ngang trong sáng qua, trước khi bật tăng mạnh vào cuối phiên sáng và đầu phiên tối nhờ lực mua kỹ thuật khi giá vượt lên khỏi vùng giá 1170 và kỳ vọng của thị trường vào các số liệu bán hàng của USDA. Lực tăng mạnh còn do hỗ trợ từ việc một loạt các trạng thái bán khống trước đó buộc phải tất toán vị thế. Tuy nhiên, không có sự xác nhận nào từ USDA về đơn hàng liên quan đến đậu tương hoặc Trung Quốc, khiến đà tăng không thể duy trì lâu và giảm mạnh trở lại vào cuối phiên. Việc đồng Real giảm trở lại trong ngày hôm qua sau 2 phiên tăng mạnh liên tiếp, cũng tạo ra lực bán lớn của nông dân nước này. Trong hôm nay, số liệu từ báo cáo Export Sales sẽ là thông tin được chờ đợi nhất. Thị trường dự đoán bán hàng đậu tương sẽ tiếp tục giảm, về trong khoảng 0.6 – 1.2 triệu tấn, so với mức 1.47 triệu tấn đã bán trong tuần trước. Đây sẽ là yếu tố tác động “bearish” có thể khiến giá tạm thời chưa lên được vùng 1200, nếu vẫn chưa có thêm các đơn hàng lớn theo ngày trong báo cáo Daily Export Sales.

Khô đậu tương và dầu đậu tương tác động trái chiều nhau rất rõ rệt trong phiên hôm qua. Giá khô đậu tương diễn biến phụ thuộc chủ yếu vào giá đậu tương trong thời điểm hiện tại. Vì thế khi giá đậu tương bật lên trong cuối phiên sáng cũng đã giúp giá khô đậu tương lên đến sát vùng 400. Nhưng việc giá đậu tương suy yếu kết hợp cùng lực bán kỹ thuật đã khiến giá khô đậu tương giảm rất mạnh ngay sau đó và đóng cửa ở đúng vùng giá quan trọng 395. Diễn biến này đã giúp cho giá dầu đậu tương tiếp tục đà tăng và chỉ giảm không đáng kể vào cuối phiên. Giá dầu cọ trên sàn Bursa cũng đã tăng mạnh trở lại hơn 2% sau khi điều chỉnh trong 2 phiên đầu tuần do nguồn cung dự kiến sẽ giảm trong quý IV.

Ngô tiếp tụng tăng phiên thứ 4 liên tiếp và đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng 16 tháng trở lại đây trên đồ thị các tháng liền kề. Giá ngô bắt đầu tăng khỏi vùng giá 420 từ cuối phiên sáng. Và đơn hàng 140,000 tấn ngô chô một nước giấu tên từ USDA, đã củng cố đà tăng và giúp giá ngô tiến sát đến vùng giá 430. Giá chỉ bị cản lại do số liệu có phần “bearish” trong báo cáo của EIA. Sản lượng Ethanol giảm nhẹ 15,000 thùng/ngày sau 3 tuần tăng liên tiếp, trái với mức kỳ vọng tăng 10,000 thùng/ngày của thị trường, đã khiến cho giá ngô giảm khá mạnh ngay sau khi báo cáo này được công bố. Tiêu thụ ngô cho sản xuất Ethanol ước tính trong tuần vừa rồi chỉ đạt 2.48 triệu tấn, thấp hơn mức 2.52 triệu tấn đã sử dụng trong tuần trước đó. Tuy nhiên, tồn kho Ethanol hầu như không thay đổi giúp thị trường lạc quan hơn về nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang phục hồi, và vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho giá ngô trong thời gian tới.

Lúa mỳ đóng cửa phiên hôm qua đã tăng bù lại mức đã giảm trong phiên trước đó. Một loạt các thông tin về việc tìm mua hàng thông qua đấu thầu từ các quốc gia nhập khẩu chính đã hỗ trợ giá lúa mỳ mạnh lên trong suốt phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực về nguồn cung lớn khiến cho giá lúa mỳ không thể vượt lại được mức kháng cự tâm lý 600 sau hai lần test lại. Giá lúa mỳ hiện đang kẹt trong vùng giá 590 – 600 suốt một tuần nay, sau khi Nga công bố về mức hạn ngạch xuất khẩu. Nhưng với diễn biến bùng phát rất mạnh của làn sóng Covid-19 thứ hai trên toàn thế giới, rất có thể các quốc gia sẽ sớm phải phong tỏa trở lại và là yếu tố “bullish” tiềm ẩn với giá lúa mỳ trong thời gian tới.