CBOT: Giá dầu đậu tương bất ngờ tăng mạnh trong phiên cuối tuần

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đóng cửa tuần này với một phiên tương đối tích cực, khi sắc xanh đã lấy lại ưu thế đối với ngô và nhóm sản phẩm đậu tương, sau 3 ngày giảm liên tiếp trước đó.

Thị trường trong phiên cuối tuần không có thêm thông tin nào quá đặc biệt, dẫn đến việc giá các loại nông sản hầu như chỉ biến động trong các khoảng nhỏ, và kết thúc phiên với mức thay đổi không quá 1%, ngoại trừ mức tăng bất ngờ vào cuối phiên của dầu đậu tương.

Đậu tương tăng nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần, với diễn biến trong phiên có phần rung lắc khác mạnh trong vùng giá 1050 – 1060. Trong phiên sáng, giá đã 2 lần tìm cách vượt qua mức này nhưng lực bán mạnh của nông dân tại đây khiến giá đều bị dội ngược trở lại. Ngay cả khi USDA công bố đơn hàng 121,500 tấn cho một quốc gia giấu tên, thì việc Trung Quốc đã không mua hàng trong suốt 2 tuần gần đây vẫn tạo ra tâm lý tiêu cực bao trùm lên thị trường. Chỉ đến khi giá về đến vùng hỗ trợ tâm lý 1050 thì lực mua kỹ thuật tại mức giá này mới giúp đậu tương tăng trở lại và duy trì lực mua cho đến cuối phiên. Trung Quốc hiện tại đang tăng tốc độ ép dầu để phục vụ nhu cầu thức ăn chăn nuôi đang tăng mạnh trong nước khi các trang trại gia súc mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó, tồn kho đậu tương tại nước này đang suy giảm dần, đây cũng là thông tin quan trọng hỗ trợ giá không giảm được về dưới 1050 ở thời điểm này và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tuần tới.

Dầu đậu tương và khô đậu tương có diễn biến khá tương đồng nhau trong ngày hôm qua, do chủ yếu neo theo xu hướng của giá đậu tương trong phiên sáng và đầu phiên tối. Giá khô đậu tương cũng chưa thể vượt lại được mức 380.0 trong tuần này do lực bán áp đảo ở các mức kháng cự này. Việc giá khô đậu tương ở quanh mức 380.0 cũng khiến nhu cầu mua của các nhà máy trở nên yếu đi. Trong khi đó, dù bối cảnh đại dịch Covid bùng phát trở lại và giá dầu thô suy yếu, thì giá dầu đậu tương vẫn nhận được lực mua hỗ trợ rất lớn tại mức 33.00, khi mà nguồn cung dầu thực vật vẫn đang eo hẹp trên toàn cầu. Kết hợp cùng bất ổn do các cuộc đình công của công nhân cảng biển ở Argentina gia tăng, đã giúp cho giá mặt hàng này tăng vọt rất mạnh trong suốt phiên tối qua.

Ngô kết thúc ngày hôm qua với diễn biến giằng co ở ngay dưới mức kháng cự tâm lý 400. Giá ngô không có sự thay đổi nào đối với hợp đồng tháng 12, tuy nhiên lại tăng dần đối với các hợp đồng tháng xa. Vẫn chưa có thông tin nào mới về việc chính phủ Trung Quốc sẽ gia tăng hạn ngạch nhập khẩu ngô niên vụ tới, tuy nhiên với các thông tin về thâm hụt cung cầu tại nước này, thị trường đang kỳ vọng vào việc chắc chắn Trung Quốc vẫn sẽ nhập khẩu một lượng lớn ngô của thế giới trong năm tới, do đó hỗ trợ đáng kể cho giá các hợp đồng tháng xa. Trong khi đó, tiến độ thu hoạch ngô tại Mỹ vẫn đang được đẩy lên nhanh chóng nhờ thời tiết khô, và ước tính chỉ còn chưa đến 20% diện tích chưa được thu hoạch trong tuần tới, tạo áp lực khá lớn lên giá các hợp đồng tháng gần khiến cho giá vẫn chưa vượt lại được mức 400. Thời tiết trong 2 tuần tới được dự báo sẽ khá khô tại miền nam Brazil và Argentina, do ảnh hưởng bởi hiện tượng “La Nina”, sẽ là thông tin hỗ trợ đáng kể cho giá ngô trong đầu tuần sau.

Lúa mỳ là mặt hàng duy nhất giảm điểm trong ngày hôm qua và đã giảm trong toàn bộ 5 phiên của tuần này. Việc chính phủ Nga vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về hạn ngạch xuất khẩu cho nửa cuối niên vụ 20/21 dù tháng 10 đã kết thúc đã tạo ra tâm lý tiêu cực cho toàn bộ thị trường, khiến cho giá lúa mỳ rơi mạnh 10 cents ngay khi mở cửa phiên tối. Đồng Dollar Mỹ đã tăng từ đầu tuần đến nay, làm cho giá lúa mỳ Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, là nguyên nhân chủ yếu khiến giá lúa mỳ CBOT giảm trong thời gian gần đây. Thời tiết tại các quốc gia biển Đen và châu Âu cuối tuần này cho đến đầu tuần tới đang khá thuận lợi cho mùa vụ, kết hợp cùng năng suất lúa mỳ tăng nhẹ tại Argentina cũng góp phần vào mức giảm trên. Tuy nhiên, thời tiết tại các vùng gieo trồng chính của Mỹ trong tuần tới cũng được dự báo sẽ khô trở lại, đã hạn chế đà giảm này trong phiên hôm qua.