CBOT: Giá các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng trở lại sau ngày Lễ Tạ ơn

Giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đồng loạt tăng trở lại trong ngày giao dịch cuối tuần, lấy lại những gì đã mất trong phiên trước khi nghỉ lễ Tạ Ơn.

Mức tăng này về cơ bản đều đã được dự đoán trước từ các chuyên gia, vốn không bị tác động nhiều bởi các thông tin mới xuất hiện mà chủ yếu phụ thuộc vào tâm lý của những người tham gia thị trường. Tuy nhiên, giá các mặt hàng đều đang nằm lửng lơ ở gần  các vùng giá quan trọng, khiến cho thị trường trở nên khó nắm bắt trong tuần tới.

Đậu tương đóng cửa tăng 0.65% lên mức 1191.75 cent/giạ. Dù không lên được vùng giá 1200 như kỳ vọng nhưng đây vẫn là mức đóng cửa ngày cao nhất kể từ năm 2016 đến nay trên biểu đồ tháng liền kề. Và vẫn sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cho giá đậu tương trong tuần tới. Thời tiết tại các khu vực Nam Mỹ có cải thiện trong thời gian vừa qua, nhưng nguồn cung sẽ không thể bổ sung kịp thời trước tháng 2 như hàng năm. Ở hướng ngược lại, cản trở lớn nhất của giá đậu tương là việc tốc độ mua hàng của Trung Quốc chậm lại. Báo cáo Export Sales tuần này cho thấy bán hàng đậu tương ở mức thấp nhất từ đầu niên vụ đến nay, và chỉ nhỉnh hơn một chú so với mức thấp nhất trong dự đoán của thị trường. Mặc dù vậy, các quỹ đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào việc giá đậu tương có thể sẽ vượt được mức đỉnh hồi 2016, và bổ sung lại 10,000 hợp đồng mua ròng trong phiên cuối tuần.

Khô đậu tương và dầu đậu tương mặc dù đều tăng theo xu hướng chung của đậu tương nhưng mức tăng có sự chênh lệch rất lớn do áp lực trái chiều. Thị trường dầu thế giới đang được hỗ trợ tích cực bởi kỳ vọng vào việc dịch bệnh có thể sớm được ngăn chặn nhờ vaccine. Ấn Độ dự kiến sẽ giảm thuế nhập khẩu dầu cọ từ 37.5% xuống 27.5% đã giúp cho giá mặt hàng này tăng trở lại sau 3 phiên điều chỉnh, qua đó hỗ trợ tích cực đến gá dầu đậu tương CBOT. Trong khi đó, nguồn cung DDGs gia tăng khi sản lượng ethanol hồi phục mạnh trong thời gian gần đây khiến cho giá khô đậu tương chưa thể bứt lên được và vẫn chỉ tăng nhẹ 0.1% trong phiên cuối tuần.

Ngô tăng mạnh 1.46% lên mức 433.75 cents/giạ nhờ các số liệu bán hàng rất tích cực. Mexico đã mua thêm hơn 300,000 tấn ngô trong báo cáo Daily Export Sales. Trong khi đó, bán hàng ngô tuần này tăng gấp rưỡi tuần trước lên mức 1.66 triệu tấn, cao hơn cả khoảng dự đoán của thị trường, đã giúp lực mua áp đảo hoàn toàn trong phiên tối qua. Ở chiều ngược lại,  nông dân tại Ukraine đã bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu ngô và EU Commission bất ngờ hạ dự báo nhập khẩu ngô của EU xuống 21 triệu tấn, thấp hơn 4.5% so với báo cáo tháng 10 sẽ là các yếu tố tác động “bearish” với ngô trong tuần tới. Tuy nhiên, các quỹ đầu cơ đã bổ sung thêm 15,000 hợp đồng mua ròng mới trong phiên cuối tuần, với kỳ vọng giá ngô sẽ có thể lên đến mức 450, cũng đang khiến giá ngô trở nên khá nhạy cảm trong tuần tới.

Lúa mỳ là mặt hàng tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản trong phiên cuối tuần, chủ yếu nhờ số liệu bán hàng rất tích cực trong báo cáo Export Sales tuần này. Doanh số tuần này đạt gần 800,000 tấn, cao hơn gấp 3 lần so với tuần trước và cũng gấp đôi so với mức dự đoán trung bình của thị trường, đã giúp giá lúa mỳ có gapup ngay khi vừa mở cửa phiên. Mức tăng này cũng được hỗ trợ bởi 8,000 hợp đồng mua ròng của các quỹ đầu cơ, tuy nhiên Giaodich24 cho rằng mức độ ảnh hưởng từ quỹ không cao như giai đoạn trước vì thị trường có nhiều thông tin cơ bản tác động “bullish”. Thời tiết tại Úc được dự báo sẽ không thuận lợi cho việc thu hoạch trong tuần tới, và Trung Quốc thì hạn chế mua hàng của Úc do căng thẳng thương mại sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho giá lúa mỳ CBOT trong tuần tới.