CBOT: Đồng Dollar Mỹ mạnh lên khiến giá các loại nông sản suy yếu

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT tiếp tục giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên lực bán đã có phần chững lại với diễn biến giằng co mạnh xung quanh các mức hỗ trợ – kháng cự.

Trong bối cảnh không có dấu hiệu Mỹ có thể sớm triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính để xoa dịu ảnh hưởng kinh tế từ Covid-19, đã khiến các nhà đầu tư chuyển sang mua tích trữ tiền mặt nhiều hơn và giúp cho giá Dollar tăng liên tiếp từ đầu tuần đến nay. Việc Dollar mạnh lên khiến giá hàng hóa trở nên đắt đỏ với những người nắm giữ các đồng tiền khác, ảnh hưởng tiêu cực đến giá các loại nông sản.

Đậu tương giảm phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày hôm qua và đóng cửa ở ngay trên mức hỗ trợ tâm lý 1050. Lực bán hầu như duy trì áp đảo trong suốt cả phiên hôm qua, khi không có thêm bất cứ thông tin “bullish” nào đối với giá đậu tương, ngoại trừ dự báo sản lượng đậu tương thế giới niên vụ 20/21 giảm 3 triệu tấn trong báo cáo mới nhất của IGC. Thông tin này cùng với lực mua hỗ trợ ở vùng 1050 giúp giá đậu tương tăng nhẹ trong đầu phiên tối. Tuy nhiên tác động “bearish” từ báo cáo Export Sales tuần này, khi mà bán hàng giảm 27% so với tuần trước đã khiến giá đậu tương giảm lại ngay sau đó. Đồng Real Brazil tiếp tục suy yếu phiên thứ 5 liên tiếp, hỗ trợ lực bán ra từ nông dân nước này, cũng góp phần tạo áp lực lên giá đậu tương CBOT trong mấy ngày gần đây.

Dầu đậu tương và khô đậu tương quay lại diễn biến trái chiều nhau trong phiên hôm qua. Giống như Giaodich24 đã phân tích trước đó, dịch bệnh khiến cho nhu cầu đối với dầu thô và dầu thực vật suy yếu ở châu Âu, kết hợp cùng giá đậu tương giảm sẽ tác động chính lên giá dầu đậu tương. Trong khi đó, nguồn cung đậu tương ngắn hạn thiếu hụt làm cho nguồn cung khô đậu tương cũng eo hẹp, vẫn sẽ hỗ trợ giá khô đậu tương khó có thể giảm về dưới mức 370 trong ngắn hạn. Không có nhiều thông tin cơ bản tác động đáng kể đến thị trường trong giai đoạn này khiến các sản phẩm nhóm đậu tương cũng phản ứng mạnh tại các mức hỗ trợ – kháng cự quan trọng. Thông tin công nhân ở các cảng của Argentina tiếp tục đình công do không nhận được khoản hỗ trợ Covid-19 như đã đề xuất sẽ hỗ trợ giá 2 mặt hàng này trong phiên hôm nay.

Ngô bất ngờ rơi xuống dưới mức hỗ trợ tâm lý mạnh 400 trong phiên hôm qua là diễn biến khá bất ngờ đối với dự đoán của nhiều chuyên gia. Bất chấp các số liệu bán hàng tích cực trong cả báo cáo Export Sales lẫn báo cáo Daily Export Sales, khi mà Mexico đã mua đến hơn 1.4 triệu tấn cùng một quốc gia giấu tên khác mua 140,000 tấn chỉ trong ngày hôm qua. Thời tiết khô hạn tại Nam Mỹ, đặc biệt là Argentina trong thời gian tới do ảnh hưởng bởi La Nina, là một trong những nguyên nhân khiến IGC giảm dự báo sản lượng ngô thế giới 20/21 đi 4 triệu tấn trong báo cáo mới nhất. Tuy nhiên thông tin cũng này không cản được lực bán ra từ nông dân Brazil khi đồng Real đang ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay. Việc giá dầu thô thế giới liên tục suy yếu tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp sản xuất ethenol, cũng đang tạo áp lực lớn lên giá ngô CBOT trong tuần này.

Lúa mỳ tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong ngày hôm qua, tuy nhiên giá lúa mỳ vẫn giữ được mức hỗ trợ tâm lý 600 trong 2 ngày liên tiếp đang khiến đà giảm có phần suy yếu. Thông tin bán hàng lúa mỳ của Mỹ trong báo cáo Export Sales tuần này tăng gấp so với tuần trước cũng góp phần giúp giá lúa mỳ bật tăng mạnh trở lại trong đầu phiên tối. Đà tăng chỉ bị cản lại khi báo cáo mới nhất của IGC cho thấy, dự báo sản lượng lúa mỳ thế giới 20/21 ở mức 764 triệu tấn, cao hơn 1 triệu tấn so với báo cáo tháng 9 và 2 triệu tấn so với niên vụ trước. Thị trường vẫn chờ đợi chủ yếu vào hạn ngạch xuất khẩu mà chính phủ Nga chuẩn bị công bố, vì thế lực mua vẫn chưa xuất hiện nhiều ở thời điểm này, nhưng rất có thể sẽ được dồn lại sau khi mức hạn ngạch trên được công bố, và là yếu tố “bullish” tiềm ẩn đối với giá lúa mỳ.