CBOT: Đậu tương và khô đậu tương bật tăng mạnh trong phiên cuối tuần

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đóng cửa với các mức thay đổi trái chiều nhau. Dầu đậu tương và lúa mỳ là 2 mặt hàng giảm điểm, trong khi đà tăng của đậu tương tiếp tục kéo theo xu hướng của ngô và khô đậu tương.

Các số liệu về xuất khẩu nông sản của Mỹ trong tháng 11 và tín hiệu tích cực từ việc thương mại với Trung Quốc là động lực thúc đẩy chính cho các mặt hàng tăng điểm trong phiên hôm qua. Đặc biệt là trong bối cảnh lo ngại về mùa vụ Nam Mỹ cùng với gián đoạn xuất khẩu tại Argentina.

Đậu tương tiếp tục đà tăng sau 1 phiên điều chỉnh nhẹ, với mức tăng lên đến gần 20 cents trong phiên hôm qua. Lực mua áp đảo trong cả phiên sáng nhờ số liệu kim ngạch xuất khẩu đậu tương của Mỹ trong tháng 11 gần đạt mức cao nhất mọi thời đại với 3.31 tỷ Dollar. Giá có điều chỉnh nhẹ vào cuối phiên sáng do lực bán ở vùng kháng cự 1370. Tuy nhiên đến phiên tối, đơn hàng 204,000 tấn đậu tương cho Trung Quốc trong báo cáo Daily Export Sales đã giúp giá tăng vọt lên trên mức kháng cự này, và chỉ bị cản lại một chút khi đến vùng kháng cự 1380. Đây là đơn hàng lớn theo ngày đầu tiên của Mỹ cho Trung Quốc kể từ 6/11 đến nay, đã hỗ trợ rất mạnh cho tâm lý thị trường, nhất là khi hãng tư vấn Safras & Mercado vừa mới hạ dự báo sản lượng đậu tương năm nay của Brazil về mức 132.5 triệu tấn, thấp hơn 1 triệu tấn so với dự đoán trước đó.

Khô đậu tương và dầu đậu tương diễn biến trái chiều nhau trong phiên hôm qua, bất chấp xu hướng tăng khá mạnh của đậu tương. Giá dầu đậu tương giảm đối với các tháng gần nhưng tăng đối các tháng xa, cho lo ngại về nguồn cung đậu tương vẫn áp đảo trong trung hạn, còn ngắn hạn, thị trường phản ứng mạnh hơn với mức kháng cự quan trọng 44 cents. Giá dầu đậu tương giảm nhẹ 0.46% kết hợp với xu hướng tăng của đậu tương đã giúp giá khô đậu tương tăng mạnh đến 1.71%.

 

Ngô chịu ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá đậu tương trong phiên hôm qua để đóng cửa với mức tăng nhẹ 0.46%. Giá ngô diễn biến giằng co mạnh trong phiên hôm qua do lực mua bán đang chịu tác động nhiều từ các thông tin trái chiều. Việc Argentina vẫn chưa thay đổi quyết định về chính sách xuất khẩu và cuộc biểu tình 3 ngày của nông dân và các hiệp hội diễn ra đầu tuần tới là yếu tố hỗ trợ giá. Tuy nhiên Bộ Nông nghiệp nước này đang trình lên chính sách đảm bảo nguồn cung nội địa trong 2 tháng tới để nối lại hoạt động xuất khẩu và lực bán tại mức kháng cự 500 là yếu tố cản trở lớn với giá ngô.

Lúa mỳ đóng cửa trái chiều với giá ngô và giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Giá tăng trong phiên sáng từ mức hô trợ 640 nhưng bị lực bán mạnh tại mức kháng cự 650 cản trở. Việc BAGE bất ngờ tăng dự báo sản lượng lúa mỳ của Argentina năm nay lên mức 17 triệu tấn, cao hơn 200,000 tấn so với dự đoán trước là nguyên nhân chính khiến giá giảm ngay sau khi mở cửa phiên tối, do thị trường không có nhiều thông tin cơ bản dẫn dắt. Tuy nhiên giá phục hồi ngay sau đó tại mức hỗ trợ 635 chủ yếu vẫn do lo ngại về chất lượng lúa mỳ vụ đông của Mỹ, khi vùng đồng bằng phía Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng nhiều bởi hạn hán vì tác động từ La Nina.