Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/01, sắc đỏ áp đảo toàn bộ bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT. Đây cũng là lần đầu tiên cả 5 mặt hàng cùng đồng loạt giảm kể từ ngày 08/12 đến nay.

Thông tin về việc công đoàn kiểm duyệt ngũ cốc của Argentina – Urgara đã chấm dứt cuộc đình công kéo dài một tháng sau khi đạt được thỏa thuận với các công ty xuất khẩu rõ ràng là yếu tố tác động lớn nhất đến giá các loại nông sản ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đấy, các số liệu bán hàng tiêu cực trong tuần vừa rồi của Mỹ cũng góp phần khiến giá suy yếu.

Đậu tương kết thúc chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp sau khi giảm nhẹ 0.46% trong phiên hôm qua, về mức 1355.25 cent/giạ. Giá tiếp tục test lại mức kháng cự 1370 trong đầu phiên sáng, tuy nhiên các yếu tố hỗ trợ giá đã không còn mạnh và đẩy giá giảm về đến sát mức hỗ trợ 1350. Bán hàng đậu tươn tuần này của Mỹ trong báo cáo Export Saels chỉ ở mức 37,000 tấn, thấp nhất từ đầu niên vụ đến nay cũng tác động “bearish” rất mạnh đến giá đậu tương, khiến cho giá rơi khỏi mức hỗ trợ quan trọng này trong suốt phần lớn thời gian của phiên tối. Tuy nhiên, việc Brazil hiện vẫn chưa có hồ sơ đăng ký xuất khẩu nào từ đầu tháng do nguồn cung thiếu hụt lại hỗ trợ tích cực cho giá đậu tương CBOT, giúp giá vượt trở lại và đóng cửa ở trên vùng giá quan trọng 1350. Đây sẽ là tín hiệu khá tích cực với đậu tương trong phiên hôm nay, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường dự đoán USDA sẽ tiếp tục giảm dự báo tồn kho đậu tương niên vụ 20/21 trong báo cáo Cung – cầu tới đây.

Khô đậu tương và dầu đậu tương đồng loạt suy yếu theo đà giảm từ giá đậu tương, tuy nhiên áp lực trái chiều khiến các mức giảm của 2 mặt hàng này có sự chênh lệch đáng kể. Giá khô đậu tương giảm mạnh 1.39% do lực bán kỹ thuật tại vùng giá 440, tuy nhiên các số liệu bán hàng tích cực và lực mua tại mức hỗ trợ 430 đã giúp giá hồi phục nhẹ vào cuối phiên. Trong khi đó, giá dầu đậu tương giảm mạnh trong phiên sáng theo đà giảm của giá dầu cọ, nhưng tăng vọt trở lại trong suốt phiên tối theo xu hướng tăng của thị trường dầu thô để đóng cửa với mức giảm không đáng kể 0.11%. Giá dầu đậu tương và khô đậu tương đều có xu hướng tăng đối với các hợp đồng tháng xa cho thấy lo ngại về nguồn cung trong thời gian tới là khá lớn, khi sản lượng đậu tương Nam Mỹ có thể sẽ được USDA giảm dự báo trong báo cáo Cung – cầu tháng 1.

 

Ngô đóng cửa ngày hôm qua với mức giảm chỉ 1 cent, sau một phiên rung lắc mạnh với biên độ gần 10 cents. Giá giảm mạnh trong phiên sáng chủ yếu do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ khi Argentina nối lại các hoạt động tại cảng và số liệu bán hàng ngô Mỹ trong báo cáo Export Sales chỉ ở mức thấp của khoảng dự đoán. Tuy nhiên, chính phủ Argentina kiên quyết trong việc dừng xuất khẩu ngô trước đe dọa biểu tình của nông dân khiến giá ngô CBOT vẫn đang nhận được sự hỗ trợ lớn và giúp giá tăng trở lại trong suốt phiên tối. Bên canh đấy, thị trường dự đoán USDA sẽ giảm dự báo tồn kho ngô Mỹ 20/21 trong báo cáo WASDE tới, cũng là yếu tố “bullish” đáng kể với giá ngô.

Lúa mỳ tiếp tục giảm gần 1% phiên thứ 2 liên tiếp, tuy nhiên vẫn giữ được mức hỗ trợ 640. Giá đã hai lần test lại mức này trong cả phiên sáng và tối qua, tuy nhiên lực mua kỹ thuật của các quỹ đầu cơ trong bối cảnh thị trường thiếu đi các thông tin cơ bản tác động đến giá lúa mỳ giúp cho giá đều tăng trở lại từ mức này. Bên cạnh đấy, xu hướng tăng của lúa mỳ sẽ còn được củng cố bởi diễn biến của giá ngô. Ở hướng ngược lại, cơ quan đăng ký xuất khẩu của Argentina đã nhận được giấy phép đăng ký cho 395,000 tấn lúa mỳ xuất khẩu, nâng tổng số đăng ký trong ba ngày làm việc đầu tiên của năm dương lịch mới lên 1,8 triệu tấn, do lo ngại rằng chỉnh phủ có thể tiếp tục hạn chế xuất khẩu lúa mỳ giống với ngô.