CBOT: Cấu trúc giá nghịch đảo xuất hiện trên toàn bộ nhóm sản phẩm đậu tương

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT kết thúc phiên hôm qua tiếp tục duy trì đà tăng mạnh của phiên trước đó, ngoại trừ dầu đậu tương.Avatar

Cấu trúc nghịch đảo giá ngày càng trở nên rõ rệt hơn đối với nhóm sản phẩm đậu tương trong phiên hôm qua, khi mà đa phần giá các hợp đồng tháng gần tăng nhưng lại giảm đối với các hợp đồng tháng xa. Hiện tượng này thường xuất hiện khi lo ngại về nguồn cung ngắn hạn thiếu hụt một cách nghiêm trọng, nên thị trường sẽ mua hàng với một tâm lý khá hoảng loạn.

 

Đậu tương kết thúc ngày hôm qua với mức tăng của hợp đồng tháng 11 và tháng 1 năm sau, nhưng lại giảm đối với hợp đồng tháng 3 trở đi. Đây là điều hoàn toàn hợp lý khi mà việc gieo trồng và thu hoạch muộn tại Brazil chỉ gây ra lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung cho giai đoạn đầu năm tới. Cũng chính bởi việc lùi thời gian thu hoạch lại tạo áp lực lớn lên các hợp đồng tháng xa, đặc biệt là trong bối cảnh nông dân Brazil vẫn quyết tâm mở rộng nhiều diện tích gieo trồng nhất có thể và lùi thời gian gieo trồng xuống muộn nhất có thể. Đồng Real vẫn đang ở mức thấp và nguồn lợi nhuận khổng lồ từ niên vụ vừa rồi là động lực chính cho quyết định trên của người dân nước này, bất chấp thời tiết rất bất lợi trong năm nay do ảnh hưởng bởi La Nina.

Giá đậu tương chủ yếu giằng co trong phiên sáng qua tuy nhiên bật tăng mạnh vào cuối phiên sáng và đầu phiên tối. Thông tin về việc Trung Quốc vẫn đang đẩy nhanh tốc độ mua hàng bất chấp việc đang trong kỳ nghỉ lễ dài ngày là động lực hỗ trợ chính cho mức tăng này. USDA cũng xác nhận điều này bằng 2 đơn hàng với tổng khối lượng 252,000 tấn cho Trung Quốc và một nước giấu tên trong báo cáo Daily Export Sales. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời sau khi giá đã tăng vọt đến 40 cents từ đầu tuần đến nay, cộng thêm việc nông dân Mỹ tích cực bán hàng ở vùng giá cao đã khiến giá đậu tương chịu áp lực lớn trong suốt phiên tối và đóng cửa ở ngay vùng giá quan trọng 1050.

Dầu đậu tương và khô đậu tương đóng cửa phiên hôm qua với các mức tăng giảm trái chiều, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố riêng biệt. Giá khô đậu tương đang phụ thuộc chủ yếu vào giá đậu tương, khi mà việc thiếu hụt nguồn cung đậu tương trong giai đoạn hiện tại đến đầu năm tới ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung khô đậu tương trên toàn cầu. Vì vậy, cấu trúc giá nghịch đảo cũng tấc động rõ rệt đến các hợp đồng khô đậu tương và dầu đậu tương. Mức kháng cự 360 đối với khô đậu tương sau khi bị vượt qua đã đảo vai trò lại thành mức hỗ trợ, giúp cho giá nhận được lực mua khá lớn tại vùng này và tiếp tục tăng trong cuối phiên. Trong khi đó, bất chấp việc giá dầu cọ đang hồi phục mạnh mẽ trong tuần này thì áp lực trái chiều từ mức tăng của khô đậu tương khiến giá dầu đậu tương vẫn chưa vượt lên được khỏi vùng giá 33.00. Tuy nhiên, cũng giống như với trường hợp nghịch đảo giá của đậu tương, thị trường đang rơi vào trạng thái mua hoảng loạn nên chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể khiến giá biến động lớn theo hướng ngược lại. Đây là điều mà thị trường rất cần lưu ý tại thời điểm này, đặc biệt là các số liệu về tồn kho trong báo cáo Cung – cầu tháng 10 phát hành đêm mai.

Ngô tiếp tục duy trì mức tăng hơn 1% trong phiên hôm qua và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 đến nay đối với hợp đồng tháng 12. Lo ngại về thời tiết mùa vụ tại Nam Mỹ, cộng thêm sản lượng Ethanol hồi phục mạnh sau khi giảm 3 tuần liên tiếp là các nguyên nhân chính hỗ trợ giá ngô. Giá ngô duy trì lực mua trong suốt cả phiên sáng và tăng vọt ngay khi mở cửa phiên tối do lực kéo chung từ mức tăng mạnh của cả nhóm nông sản. Tuy nhiên vùng giá 388 – 390 vẫn đang cho thấy đây là một mức cản đáng kể với giá ngô, khiến giá giảm trở lại trong suốt phiên tối và đóng cửa ở ngay ngưỡng quan trọng này. Thời tiết khô hạn tại các khu vực gieo trồng ngô chính đang giúp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, trong khi Trung Quốc vẫn chưa có động thái cụ thể của việc mua ngô Mỹ dù đã có khá nhiều tin đồn trên thị trường trước đó, là các thông tin khiến cho giá ngô tạm thời vẫn chưa thể vượt lên được, ít nhất là đến thời điểm báo cáo WASDE tháng 10 phát hành.

Lúa mỳ là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong phiên hôm qua và đã là phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Mức tăng rất mạnh đối với hợp đồng tháng gần nhưng giảm dần đối với các hợp đồng tháng xa. Thời tiết khô hạn tại các vùng gieo trồng chính tại biển Đen và Mỹ vẫn đang là nguyên nhân chủ yếu khiến cho nông dân tại đây hạn chế bán hàng. Trong khi đó lo ngại giá có thể cao hơn nữa buộc các quốc gia nhập khẩu chính vẫn phải mua hàng. Pakistan đã mua 330,000 tấn trong ngày hôm qua dù trước đó đã 2 lần hủy thầu do giá chào thầu quá cao. Các thông tin trên đã giúp giá tăng vọt vượt qua cả mức 600, vốn là kháng cự tâm lý – kỹ thuật rất quan trọng. Giá lúa mỳ sau khi lên đến 610 đã gặp lực bán lớn chủ yếu do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ, tuy nhiên mức kháng cự 600 sau khi bị vượt qua đã đảo vai trò thành mức hỗ trợ mạnh khiến giá tăng trở lại vào cuối phiên. Các quỹ đã tăng gấp đôi vị thế mua ròng từ 32,000 lên đến 60,000 hợp đồng chỉ trong 3 phiên đầu tuần này.