CBOT: Các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua

Kết thúc phiên giao dịch 19/11, bảng giác các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT được chia làm hai nửa xanh đỏ, với các mức thay đổi đều không quá 1%, tuy nhiên khoảng dao động trong phiên tương đối lớn.

Trong bối cảnh thị trường tuần này quá ít các thông tin cơ bản, thì thị trường vẫn phản ứng chủ yếu với các số liệu từ báo cáo Export Sales tuần này của USDA, dù không có biến động nào đáng chú ý.  

Đậu tương tiếp tục có phiên tăng thứ 5 liên tiếp kể từ cuối tuần trước đến nay, dù đã bị bán ra rất mạnh trong phiên sáng. Đà lao dốc của các mặt hàng nông sản chủ yếu đi theo mức giảm của thị trường tài chính châu Âu do tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư khi dịch bệnh leo thang ở Mỹ và diễn biến mới nhất là các trường học ở New York phải đóng cửa trở lại. Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp, tâm lý chốt lời của giới đầu cơ này không thể khiến giá giảm quá sâu và sau đó đã bật tăng trở lại trong đầu phiên tối nhờ số liệu bán hàng đậu tương tuần này cao hơn kỳ vọng của thị trường. Đặc biệt, Trung Quốc đã mua đến hơn 1 triệu tấn trong tuần kết thúc ngày 12/11, mặc dù không có bất cứ đơn hàng lớn theo ngày nào được USDA ghi nhận. Bán hàng cho Trung Quốc từ đầu niên vụ đến nay đã đạt 83% so với mục tiêu đặt ra, cao hơn nhiều so với mức trung bình 60% tại thời điểm này hàng nay. Các số liệu này đang củng cố thêm niềm tin cho thị trường vào việc giá đậu tương sẽ sớm đạt được mức 1200 trong thời gian ngắn tới, có thể ngay trước Lễ Tạ ơn vào thứ Năm (26/11) tuần tới.

Khô đậu tương và dầu đậu tương hầu hết đều diễn biến trái chiều nhau mỗi khi giá đậu tương thay đổi không đáng kể. Nhìn chung các diễn biến của hai mặt hàng này đi theo xu hướng của giá đậu tương trong phiên hôm qua, khi đều giảm mạnh vào cuối phiên sáng và bật tăng trở lại vào phiên tối nhờ lực mua kỹ thuật tại các mức hỗ trợ. Mức đỉnh cũ hồi 2016 của dầu đậu tương sau khi vượt qua đã trở thành mức hỗ trợ rất mạnh, cộng thêm mức tăng của giá dầu thô thế giới khiến cho lực mua áp đảo hoàn toàn trong phiên tối. Giá dầu đậu tương ở cả Brazil và Argentina đều tăng mạnh trong thời gian gần đây do nguồn cung đang rất khan hiếm, sẽ là các yếu tố hỗ trợ giá đậu tương CBOT tìm đến vùng giá 40.00 trong thời gian tới. Còn đối với giá khô đậu tương, đậu tương vẫn mạnh lên thì sẽ rất khó để mặt hàng này giảm về dưới mức 390.0 trong ngắn hạn.

Ngô đã có phiên giảm đầu tiên sau 4 phiên tăng liên tiếp, chủ yếu do tâm lý chốt lời khi không có thêm các thông tin hỗ trợ giá. Giá ngô cũng giảm rất mạnh vào cuối phiên sáng khi thị trường lo ngại các lệnh giãn cách xã hội có thể tăng cường sắp tới sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ethanol. Các số liệu bán hàng tuần này trong báo cáo Export Sales cũng cao hơn dự đoán của thị trường, cùng với lực mua kỹ thuật ở vùng giá 420 khiến giá tăng bù lại toàn bộ mức giảm trước đó khi bắt đầu vào phiên tối. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất cứ xác nhận nào từ USDA về các đơn hàng lớn của Trung Quốc như các tin đồn hồi đầu tuần, khiến giá không thể vượt lại được mức 425 và quay đầu giảm trở lại vào cuối phiên do áp lực từ mức giảm của lúa mỳ.

Lúa mỳ tiếp tục giảm 1% trong phiên hôm qua chủ yếu do số liệu bán hàng tiêu cực trong báo cáo Export Sales tuần này. Mặc dù lúa mỳ liên tục tìm cách vượt lại mức kháng cự tâm lý 600 suốt từ đầu tuần đến nay, nhưng các thông tin hỗ trợ giá quá ít và việc mua hàng qua đấu thầu diễn ra rất chậm của các nước nhập khẩu khiến cho giá liên tục bị cản lại. Bán hàng lúa mỳ trong tuần này của Mỹ chỉ đạt chưa tới 200,000 tấn, là mức thấp nhất niên vụ và thấp hơn cả khoảng dự đoán của thị trường đã khiến lực bán áp đảo trong toàn bộ phiên tối và chỉ hồi phục rất nhẹ vào cuối phiên nhờ lực mua ở mức hỗ trợ 590. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của NOAA cho thấy, thời tiết khô hạn có xu hướng gia tăng ở khu vực đồng bằng phía nam của Mỹ trong mùa đông năm nay do ảnh hưởng bởi La Nina, có thể sẽ giúp cho giá lúa mỳ không giảm sâu hơn nữa ở thời điểm này.