CBOT: Báo cáo Cung – cầu tháng 12 tác động trái chiều đến nhóm nông sản

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đóng cửa trái chiều trong phiên hôm qua. Tác động lớn nhất đến diễn biến giá trong phiên hôm qua như thường lệ vẫn là các số liệu từ báo cáo Cung – cầu Nông sản Thế giới tháng 12 của USDA.

Giá ngô và toàn bộ nhóm sản phẩm đậu tương tuy dao động mạnh trong phiên nhưng chỉ đóng cửa với các mức thay đổi chưa đến 1%. Trong khi đó, giá lúa mỳ tiếp tục có một phiên tăng rất mạnh hơn 2%, nối tiếp với phiên trước đó.

Đậu tương đóng cửa giảm nhẹ 0.5%, dù đã có lúc tăng đến 1.5% trong phiên. Lực mua áp đảo trong suốt phiên sáng, nối tiếp từ hôm thứ Tư, do tác động từ dự đoán của thị trường về việc USDA sẽ tiếp tục giảm mạnh dự báo tồn kho đậu tương niên vụ 20/21 trong báo cóa WASDE tháng 12. Bên cạnh đấy, số liệu bán hàng đậu tương tuần vừa rồi trong báo cáo Export Sales tăng 40% so với tuần trước đó cũng góp phần giúp giá đậu tương mạnh lên trong đầu phiên tối. Tuy nhiên đến sau khi báo cáo WASDE phát hành, tồn kho đậu tương mặc dù có giảm về mức 175 triệu giạ, nhưng không thấp như mức 168 trong dự đoán của thị trường, đã khiến giá đậu tương giảm đến gần 20 cents ngay sau đó.

Khô đậu tương và dầu đậu tương đồng loạt đi theo xu hướng của giá đậu tương trong phiên tối qua, đặc biệt là khô đậu tương với mức giảm cũng bằng 0.5%. Trong khi đó, diễn biến trái chiều với khô đậu tương, kết hợp với việc giá dầu cọ trên sàn Bursa Malaysia tăng mạnh trở lại nhờ tồn kho tháng 11 suy giảm, đã hỗ trợ tích cực đến giá dầu đậu tương, giúp mặt hàng này giữ được sắc xanh khi đóng cửa phiên hôm qua.

Ngô cũng có diễn biến giống hệt và chịu các tác động tương đương như với đậu tương. Kỳ vọng vào việc tồn kho ngô Mỹ 20/21 sẽ giảm và lực mua kỹ thuật ở mức hỗ trợ quan trọng là nguyên nhân chính giúp giá ngô tăng trong sáng qua. Sang đến phiên tối, bán hàng ngô tuần này duy trì ổn định và đơn hàng hơn 300,000 tấn ngô bán cho Mexico trong báo cáo Daily Export Salles tiếp tục hỗ trợ giá ngô đi lên. Tuy nhiên, số liệu tồn kho không đổi trong báo cáo tháng 12 so với tháng 11, cộng thêm tâm lý chốt lời đã khiến lực bán áp đảo trong suốt nửa cuối phiên tối. Đà giảm chỉ được cản lại khi gặp mức hỗ trợ mạnh 420 và phục hồi nhẹ trước khi đóng cửa.

Lúa mỳ tiếp tục là mặt hàng tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản. Giá lúa mỳ tổng cộng đã tăng đến gần 5% chỉ sau 2 phiên. Tổng thống Nga Putin lên tiếng chỉ trính chính phủ và yêu cầu sớm đưa ra các mức hạn ngạch và thuế xuất khẩu lúa mỳ cụ thể để hạn chế đà tăng mạnh của giá thực phẩm trong nước đã khiến thị trường tích cực mua vào, do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới. Bên cạnh đấy, tồn kho lúa mỳ thế giới bất ngờ giảm gần 4 triệu tấn so với báo cáo WASDE tháng 11, và trái chiều với dự đoán tăng của thị trường, cũng góp phần giúp giá lúa mỳ duy trì đà tăng mạnh đến tận cuối phiên.