Sắc đỏ tiếp tục tràn ngập thị trường nông sản nói chung, và thị trường ngũ cốc trên sàn CBOT nói riêng trong ngày hôm qua. Nỗi lo về Virus Corona đang trở nên nghiêm trọng hơn khi số người mắc bệnh và số người tử vong tại Trung Quốc đang tăng rất nhanh (dù tỉ lệ tư vong không quá lớn). Dịch bệnh đã bắt đầu lây nhiễm nhiều hơn sang các nước láng giềng, trong đó có cả Việt Nam. Theo một số nguồn tin chưa chính thức, Trung Quốc đang hạn chế dỡ hàng nông sản tại các cảng biển, để tránh cho những nhân viên người nước ngoài không bị lây nhiễm bệnh từ người Trung Quốc, giúp Virus Corona hạn chế lây lan ra toàn cầu. Đây rõ ràng là thông tin “bearish” mạnh và sẽ còn tác động đến thị trường trong thời gian tới. Rạng sáng nay, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì Virus Corona.

Đậu tương là mặt hàng giảm mạnh nhất trên sàn CBOT trong ngày hôm qua, kéo khô đậu và dầu đậu nành giảm theo. Giá đậu tương tháng 3 hiện đã đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Báo cáo Export Sales của USDA đưa ra số liệu bán hàng đậu tương gây thất vọng, trong đó Trung Quốc mua thêm rất ít, rõ ràng là thông tin “bearish” chính và khiến giá giảm mạnh trong phiên tối qua. Ngoài ra, thông tin Buenos Aires Exchange tăng dự báo sản lượng đậu tương Argentina từ 51.0 lên 53.1 triệu tấn cũng là thông tin “bearish” và có thể khiến giá giảm thêm trong sáng nay. Thị trường Trung Quốc sẽ vẫn nghỉ Tết đến hết ngày 03/02, và từ giờ đến lúc đó sẽ không có hợp đồng mua hàng lớn nào. Bộ nông nghiệp Trung Quốc đang yêu cầu các nhà máy ép dầu vẫn tiếp tục hoạt động, còn chính phủ Trung Quốc kêu gọi các nhà máy TĂCN nhanh chóng sản xuất và cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Khô đậu và dầu đậu nành đều giảm theo đậu tương trong ngày hôm qua. Giá khô đậu các tháng gần đã giảm xuống mức thấp nhất trên các biểu đồ kĩ thuật. Khô đậu tháng 3 phá vỡ hỗ trợ kỹ thuật 296 và đã giảm sát tới vùng 290. Theo đánh giá của Giaodich24, vùng giá này đã là vùng giá rất thuận lợi để có thể pricing một phần khô đậu cho nhu cầu các tháng gần từ tháng 3 – tháng 7. Đặc biệt là đối với các tháng xa, khi giá basis tại miền bắc chỉ ở quanh mức 30 USD (miền nam rẻ hơn 4 – 5 USD/tấn), giá CBOT ở vùng 300 là vùng giá pricing an toàn đối với các buyers tại châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ngô cũng giảm điểm trong ngày hôm qua, không có gì bất ngờ bởi Trung Quốc là nước có nhu cầu sử dụng ngô lớn nhất thế giới. Báo cáo Export Sales tuần này có số liệu bán hàng ngô tăng 23% so với tuần trước và tăng gần gấp đôi trung bình 4 tuần qua, nên là yếu tố giúp ngô không bị giảm mạnh như đậu tương. Giá đang trượt xuống dưới mức hỗ trợ 381, nhưng chưa giảm quá sâu, vì thế chưa thể coi là đã phá vỡ khoảng giao dịch đi ngang 381 – 391. Tuy nhiên, nếu tình hình Virus Corona tiếp tục lây lan và có thêm nhiều người chết, xác suất giảm của ngô sẽ cao hơn và giá có thể giảm sâu nếu dịch lây lan sang các nước lân cận như Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Lúa mỳ đóng cửa giảm nhẹ trong ngày hôm qua, mức giảm ít nhất trên sàn CBOT. Ban đầu, giá giảm theo xu hướng chung của sàn, và mức giao hàng thấp nhất từ đầu niên vụ 2019/20 trong báo cáo Export Sales tuần này. Số liệu bán hàng cũng bị giảm nhẹ 7% so với tuần trước. Tuy nhiên, đến giữa phiên tối, lực mua của lúa mỳ đã quay trở lại ở vùng hỗ trợ tâm lý 550, nên đã giúp lúa mỳ đảo chiều vào nửa cuối ngày hôm qua. Đây là diễn biến không có gì bất ngờ, bởi lúa mỳ có rất nhiều thông tin cơ bản “bullish” hỗ trợ trong ngắn hạn. Lo ngại về sản lượng lúa mỳ tại Úc, Mỹ và cả khu vực biển Đen; Nga hạn chế xuất khẩu ngũ cốc; đình công tại Pháp ảnh hưởng tới xuất khẩu;… Vì thế, Giaodich24  cho rằng lúa mỳ sẽ chỉ bị tác động “bearish” gián tiếp từ những mặt hàng khác, chứ không giảm mạnh trong thời gian tới.

Giaodich24