Sắc đỏ tràn ngập sàn giao dịch CBOT trong ngày hôm qua, khi thị trường hoàn toàn bị chi phối bởi các thông tin liên quan đến virus Covid-19. Virus bất ngờ bùng phát rất nhanh ở Hàn Quốc, Italy và Iran, bên cạnh đó là số ca nhiễm trên tàu Diamond Princess tại Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng lên. Thông tin xấu này ảnh hưởng tới giá ngũ cốc ngay từ khi mở cửa tuần, và bên bán áp đảo thị trường trong suốt thời gian giao dịch sau đó.

Xét về thương mại, Nhật Bản là nước nhập khẩu ngô lớn thứ 3, nhập khẩu lúa mỳ đứng thứ 8 và nhập khẩu khô đậu đứng thứ 10 thế giới. Hàn Quốc nhập khẩu ngô đứng thứ 5, nhập khẩu lúa mỳ đứng thứ 13 và nhập khẩu khô đậu đứng thứ 8 thế giới. Trong khi đó Iran có thể tự cung cấp lúa mỳ cho nhu cầu nội địa, nhưng là nước nhập khẩu ngô lớn thứ 6 thế giới.
Tại Argentina, thông tin đáng chú ý trong ngày hôm qua, là việc các hãng tin lớn dự đoán rằng Tổng thống Alberto Fernandez sẽ công bố chính sách tăng thuế xuất khẩu đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành vào chủ nhật tới, ngày 01/03/2020, trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội. Thuế xuất khẩu đậu tương, dầu đậu nành và khô đậu sẽ tăng thêm 3% lên mức 33%. Thuế xuất khẩu ngô và lúa mỳ sẽ giữ ở mức 15%.

Đậu tươngdầu đậu nành đều giảm rất mạnh trong ngày hôm qua, trong khi khô đậu chỉ bị giảm nhẹ (do mức độ mạnh – yếu vẫn trái ngược với dầu đậu nành trong ngắn hạn). Đậu tương phá vỡ mức hỗ trợ 880 rất quan trọng, nhưng mới chỉ ở mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Khô đậu hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trên các biểu đồ kỹ thuật tháng gần. Trong khi đó, dầu đậu nành đang ở mức thấp nhất từ đầu tháng 10 năm ngoái. Nhìn chung, thị trường đậu tương giảm điểm chủ yếu do lo ngại virus Corona bùng phát ở châu Á và cả châu Âu sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu của các nước. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn chưa mua đậu tương Mỹ, cũng là yếu tố khiến giá đậu tương yếu đi trong thời gian gần đây. Tối qua, báo cáo Export Inspections của USDA có số liệu giao hàng gây thất vọng, càng khiến bên bán mạnh hơn và khiến đậu tương khó hồi phục trở lại. Tại Brazil, thu hoạch đậu tương vẫn đang bị chậm hơn năm ngoái và có lo ngại giảm năng suất ở bang Rio Grande do Sul.

Ngô đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, nhưng mức giảm ít hơn so với các mặt hàng khác. Về mặt lý thuyết, Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran đều nằm trong top các nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, nên tác động từ virus Covid-19 đến thị trường ngô sẽ nhiều nhất. Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy ngô chủ yếu giảm theo các mặt hàng khác, mà không chịu nhiều lực bán. Sau khi vượt ra khỏi khoảng giao dịch 375 – 394 đã kéo dài 3 tháng rưỡi trước đó, ngô có hỗ trợ ở vùng giá dưới 370, và vùng giá này đã tạo ra khá nhiều lực mua trong phiên qua. Báo cáo Export Inspections với số liệu giao hàng tăng so với tuần trước, cũng là thông tin góp phần giúp giá ngô không bị giảm mạnh. Tại thị trường Việt Nam, các buyers đang có dấu hiệu muốn mua vào các hợp đồng ngô tháng xa, khi giá flat đã ở gần vùng 200 USD/tấn, là vùng giá pricing an toàn trong dài hạn.

Lúa mỳ giảm rất mạnh trong ngày hôm qua, theo xu hướng chung của sàn CBOT. Iran là nước có sản lượng lúa mỳ lớn thứ 12 thế giới, nên virus Corona bùng phát tại quốc gia này có thể sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung trong ngắn hạn. Báo cáo Export Inspections với số liệu giao hàng giảm so với tuần trước cũng là thông tin “bearish” góp phần vào phiên giảm điểm hôm qua. Rạng sáng nay, báo cáo từ các Sở nông nghiệp trực thuộc USDA cho thấy các số liệu khá bất ngờ. Ngoài trừ việc chất lượng lúa mỳ vụ đông bị giảm mạnh ở bang Montana, chất lượng tại toàn bộ các vùng sản xuất lớn khác của Mỹ đều tăng so với thời điểm cuối tháng 1. Tuy nhiên, nếu so với các năm trước, chất lượng lúa mỳ vụ đông năm nay vẫn kém hơn khá nhiều, nên đây sẽ không phải thông tin “bearish” có thể khiến giá giảm mạnh trong ngày hôm nay.

Giaodich24