CBOT: Thị trường ít biến động, ngô và lúa mỳ tăng nhẹ hơn 1%

Sàn CBOT giao dịch tương đối ảm đạm trong ngày hôm qua và giá các mặt hàng nông sản đều đóng cửa với các mức thay đổi nhỏ và không ảnh hưởng nhiều tới các xu hướng lớn đã hình thành trước đó. Thị trường ít thông tin cơ bản nên giá cũng ít bị rung lắc hơn trong phiên này.

Đậu tương đóng cửa tăng nhẹ chưa đến 0.5% trong ngày hôm qua. Lực bán xuất hiện trong phiên sáng nhưng bên mua đã dần chiếm ưu thế hơn kể từ cuối phiên sáng và lực mua này kéo dài đến hết phiên tối đã giúp đậu tương đảo chiều thành công. Báo cáo Daily Export Sales của USDA tiếp tục ghi nhận các hợp đồng bán hàng đậu tương lớn cho Trung Quốc và nước giấu tên. Kể từ đầu tháng 7 tới nay, các báo cáo hàng ngày của USDA đã xác nhận các hợp đồng bán đậu tương với khối lượng lên tới 3 triệu tấn, cho thấy Trung Quốc đã mua rất nhiều đậu tương Mỹ để đảm bảo tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký trước đó. Điều này sẽ giúp xuất khẩu đậu tương Mỹ có thể tăng tốc nhanh hơn trong các tháng cuối của niên vụ 2019/20 và vẫn có thể kịp để đạt các mức dự báo xuất khẩu hiện nay mà USDA đề ra. Đây rõ ràng là thông tin “bullish” chính đã hỗ trợ giá đậu tương trong ngày hôm qua, nhưng khả năng có thể giúp đậu tương vượt qua kháng cự 900 vẫn đang bị Giaodich24 đánh giá thấp.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1595462632-3001.png

Khô đậu tương đóng cửa tăng nhẹ trong ngày hôm qua, trái chiều với mức giảm nhẹ so với dầu đậu tương. Hai mặt hàng ngày vẫn trái chiều, trong khi khô đậu tương có hỗ trợ ở vùng giá 290; thì dầu đậu tương lại gặp phải kháng cự cứng ở mức giá 31.00 trên biểu đồ tháng 12. Các báo cáo giảm sản lượng dầu cọ của Malaysia và Indonesia giúp dầu đậu tương hồi phục nhẹ trong phiên tối nhưng không đủ để bù đắp phần đã giảm trong phiên sáng và giá vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1595462632-2835.png

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1595462632-4691.png

Ngô đóng cửa tăng hơn 1% trong ngày hôm qua, nhưng khoảng giao dịch rất hẹp và cũng không có gì đặc biệt về mặt xu hướng. Ngô vẫn giữ được mức hỗ trợ kỹ thuật ở 330 nên việc giá bật lên cũng không có gì bất ngờ. Báo cáo của EIA tối qua cho biết sản lượng ethanol của Mỹ đã có tuần giảm đầu tiên sau chuỗi 11  tuần tăng liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, thông tin này có vẻ chưa ảnh hưởng nhiều tới ngô bởi mức giảm cũng nhỏ. Thị trường được hỗ trợ trong ngày hôm qua, chủ yếu nhờ các dự báo thời tiết tiêu cực hơn đối với các vùng sản xuất ngô chính tại Mỹ trong 3 – 5 ngày tới. Lượng mưa thấp hơn các dự báo trước có thể sẽ ảnh hưởng tới chất lượng ngô, đặc biệt là ở các vùng đang bị khô hạn nghiêm trọng tại phía tây Midwest.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1595462632-4665.png

Lúa mỳ đóng cửa tăng hơn 1% trong ngày hôm qua, nhưng xu hướng không có gì đáng chú ý với giá hoàn toàn ở giữa khoảng giao dịch lớn 500 – 550 đã hình thành từ trước đó. Các hợp đồng mua hàng lớn của các nước nhập khẩu như Thái Lan, Ethiopia không phải là thông tin “bullish” quan trọng như các hãng tin lớn đang đưa ra. Giá lúa mỳ tăng một phần do lo ngại tình hình hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn ở North Dakota và ảnh hưởng xấu tới chất lượng lúa mỳ vụ xuân của Mỹ. Một phần khác, giá đang bị tác động bởi hoạt động của nhóm đầu cơ và phân tích kĩ thuật, nên việc giằng co ở giữa khoảng giá 500 – 550 là điều đã được dự báo từ trước, nên hôm qua không phải là phiên giao dịch bất ngờ và quan trọng đối với thị trường.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1595462632-2889.png

Giaodich24