Thị trường có khá nhiều thông tin cơ bản quan trọng trong ngày hôm qua, là nguyên nhân khiến các mặt hàng đóng cửa khác nhau, do chịu tác động từ những thông tin khác nhau. Hôm qua không có những phát ngôn mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, nên nhìn chung các tin tức liên quan đến thương chiến Mỹ - Trung cũng không có gì mới. Phía Trung Quốc cho biết nước này đang cố gắng đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ, và Phó thủ tướng Lưu Hạc cho biết tiến độ thực hiện vẫn đang rất tích cực. Tuy nhiên, ở mặt trận ngoại giao, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về Hong Kong và chỉ còn chờ Tổng thống Donald Trump ký, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không còn là căng thẳng thương mại nữa, mà có thể trở thành căng thẳng chính trị toàn diện. Nhưng theo một số chuyên gia, kể cả trong trường hợp muốn trả đũa, Trung Quốc hiện nay cũng không còn công cụ thương mại nào đủ mạnh để có thể đấu với Mỹ, nên việc phải nhượng bộ và giành lấy thỏa thuận giai đoạn 1 đang là vấn đề sống còn đối với Trung Quốc.

Đậu tương và dầu đậu nành đóng cửa giảm điểm trong phiên hôm qua, nhưng đậu tương hiện vẫn đang ở trên mức hỗ trợ tâm lý 900 quan trọng. Trong khi đó, khô đậu đóng cửa tăng điểm trái chiều với đậu tương, nhờ tâm lý mua hàng thật đã xuất hiện nhiều hơn ở mức 300. G.O Commodities cho rằng mức giá 900 của đậu tương và 300 của khô đậu sẽ là 2 mức giá tương đương, sẽ cùng phá vỡ hoặc cùng bật lên từ 2 mức giá này. Báo cáo Export Sales tối qua có thể coi là báo cáo “bullish” với số liệu bán hàng tăng so với các tuần trước, còn giao hàng ở mức cao nhất từ đầu niên vụ mới tới nay. Trung Quốc cũng mua thêm đậu tương trong tuần qua, cho thấy dù không có hợp đồng mua hàng lớn nào trong báo cáo Daily Export Sales, nhưng Trung Quốc vẫn đang âm thầm mua đậu tương Mỹ, do tồn kho đang ở mức thấp và nhu cầu TĂCN đang có dấu hiệu tăng trở lại. Nếu không có gì đặc biệt trong ngày hôm nay, G.O Commodities cho rằng đây có thể là phiên tăng điểm của đậu tương và khô đậu bởi lực mua ở các vùng hỗ trợ quan trọng hiện nay sẽ rất lớn.

Ngô đóng cửa tăng điểm trong phiên hôm qua, bắt đầu với lực mua hỗ trợ rất tốt ở vùng 363 – 365. Tiếp đó là báo cáo của USDA Nam Phi cảnh báo tình trạng hạn hán đang ảnh hưởng xấu tới mùa vụ ngô của nước này. USDA Romania cũng báo cáo năng suất bị giảm so với các dự đoán trước do thời tiết không thuận lợi. USDA Ấn Độ dự báo sản lượng ngô chỉ đạt 27.5 triệu tấn, thấp hơn mức 29.0 triệu tấn trong báo cáo tháng 11 của USDA. Trong phiên tối, đà tăng thực sự mạnh lên nhờ báo cáo Export Sales tuần này được đánh giá là “bullish”. Số liệu bán hàng tăng mạnh so với các tuần trước và giao hàng tiếp tục ở mức cao nhất từ đầu niên vụ là các số liệu hỗ trợ giá tăng điểm. Tuy nhiên, do tiến độ xuất khẩu ngô Mỹ đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch hiện nay của USDA, nên bán hàng và giao hàng sẽ còn phải tốt hơn nữa trong các báo cáo xuất sắp tới, thì mới giảm được các lo ngại về xuất khẩu trong niên vụ này. Hôm qua, Buenos Aires Exchange giảm dự báo diện tích ngô Argentina đi 100,000 tấn do lo ngại nông dân sẽ chuyển sang trồng đậu tương. Các lo ngại về chính sách thuế của Tân tổng thống là nguyên nhân của sự thay đổi này.

Lúa mỳ đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, không phải là diễn biến bất ngờ. Đây là tâm lý chốt lời ngắn hạn của giới đầu cơ sau 3 phiên tăng mạnh liên tiếp trước đó. Về mặt lý thuyết, lúa mỳ không có thông tin cơ bản nào quá đặc biệt để giá tăng – giảm mạnh, nên khi lên sát kháng cự 520, lực bán đã xuất hiện nhiều hơn và khiến giá đảo chiều giảm trở lại. USDA Canada giảm dự báo sản lượng lúa mỳ, trong khi USDA Ấn Độ không tăng dự báo, có thể coi là các thông tin “bullish” trong phiên sáng. Báo cáo Export Sales với số liệu bán hàng tăng 87% so với tuần trước cũng là thông tin hỗ trợ giá. Nhưng khi bước vào phiên tối, thông tin Algeria hạn chế nhập khẩu lúa mỳ ở mức 4.0 triệu tấn, cùng với tâm lý chốt lời của giới đầu cơ đã áp đảo thị trường và khiến lúa mỳ giảm đến tận thời điểm đóng cửa ngày.

 

BÁO CÁO XUẤT KHẨU EXPORT SALES CỦA USDA

www.giaodich24.vn