Cuối cùng thì sàn giao dịch CBOT cũng có được 1 phiên khởi sắc, khi giá các loại ngũ cốc đều tăng mạnh trong ngày hôm qua, sau chuỗi giảm điểm ảm đạm trước đó. Các tin đồn Trung Quốc đã mua rất nhiều nông sản Mỹ, trải dài từ đậu tương, ngô, lúa mỳ, DDGs và lúa miến, đã tạo ra tâm lý tích cực đối với thị trường và là một trong những nguyên nhân chính khiến giá tăng điểm. Điều này thể hiện qua việc giá các hợp đồng tháng gần đều tăng mạnh hơn các tháng xa, và mức tăng giảm dần từ giờ đến hết năm 2020. Sở dĩ Trung Quốc phải mua nông sản Mỹ ở thời điểm này, do các vấn đề liên quan đến logistics tại Brazil, Argentina, Nga và Ukraina, do ảnh hưởng của Covid-19. Về giá, các offer từ Mỹ vẫn không thực sự tốt, nên Trung Quốc sẽ chỉ mua hàng cho các shipments tháng gần. Đến đêm qua, các nguồn tin cụ thể hơn cho biết Trung Quốc đã mua 120,000 tấn đậu tương và 120,000 tấn lúa mỳ HRW của Mỹ, là lần đầu tiên mua lúa mỳ kể từ năm 2017 tới nay.

Thị trường có rất nhiều thông tin cơ bản trong ngày hôm qua, nhưng tựu chung lại, vẫn đang có những lo lắng đến từ Nam Mỹ. Thời tiết không thuận lợi đang làm giảm chất lượng và các dự báo sản lượng ngô của Brazil và cả sản lượng ngô và đậu tương của Argentina. Tại Argentina, một trong các cảng chính ở Rosario đã phải đóng cửa 14 ngày do Covid-19. Trong khi tại Brazil, dù cảng Santos vẫn hoạt động bình thường, nhưng lo lắng đang ở mức rất cao và sẽ không có gì bất ngờ nếu cảng biển lớn nhất của Brazil và cả khu vực Mỹ Latinh này sẽ phải dừng hoạt động 1 phần trong thời gian tới.

Đậu tương và khô đậu đóng cửa tăng mạnh với biên độ tương đương. Đà tăng rất mạnh sau đó đã bị chặn lại ở các mức kháng cự quan trọng là 850 của đậu tương và 320 của khô đậu, nên giá có giảm nhẹ điều chỉnh vào cuối phiên. Báo cáo Export Sales với số liệu bán hàng đậu tương tăng gấp đôi tuần trước, nhưng nhìn chung cả bán hàng và giao hàng đều chỉ ở mức thấp. Informa giảm dự báo diện tích gieo trồng đậu tương Mỹ 2020, có thể cũng sẽ là thông tin “bullish”.

Ngô tăng điểm trong ngày hôm qua, nhưng giá bị đẩy xuống khoảng 10 cents trước khi đóng cửa ngày, nên mức tăng khi đóng cửa không quá mạnh. Tâm lý mua bắt đáy sau chuỗi giảm hơn 40 cents sau 6 ngày giảm liên tiếp là nguyên nhân chính khởi đầu của phiên tăng điểm này. Báo cáo Export Sales với số liệu bán hàng trung bình và giao hàng ở mức cao nhất từ đầu niên vụ, có thể coi là thông tin hỗ trợ giá tăng. Thông tin Hàn Quốc liên tục mua ngô, đã mua 1.5 triệu tấn từ đầu tháng 3 tới nay và các tin đồn mua hàng và các vấn đề liên quan đến cảng biển xuất khẩu của Brazil và Argentina cũng là các thông tin “bullish” với thị trường. Đến cuối ngày, các thông tin về việc nhà máy ethanol tại Mỹ giảm sản lượng và Informa tăng diện tích gieo trồng ngô Mỹ 2020 là các thông tin “bearish”, có thể là nguyên nhân khiến giá giảm trở lại.

Lúa mỳ đóng cửa tăng rất mạnh trong ngày hôm qua. Tin đồn Trung Quốc lần đầu tiên mua lúa mỳ Mỹ từ năm 2017 rõ ràng là thông tin hỗ trợ giá tăng, bất chấp các số liệu xuất khẩu không tốt trong báo cáo Export Sales của USDA. Ngoài ra, như đã nhận định trước đó, Giaodich24 cho rằng các yếu tố cung – cầu của lúa mỳ đang thiên về “bullish”, nên khi tác động từ virus Covid-19 không còn gây shock, giá sẽ tăng trở lại. Đà tăng còn được hỗ trợ bởi nhóm phân tích kĩ thuật khi giá bật lên từ vùng hỗ trợ tâm lý 500 trước đó.

Giaodich24