Giá các loại ngũ cốc trên sàn CBOT tiếp tục tăng điểm trong phiên hôm qua, với chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp. So với mức đáy kể từ ngày 11/12, đậu tương đã tăng 40 cents, ngô đã tăng gần 20 cents, còn lúa mỳ đã tăng gần 40 cents. Tác động từ việc Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại kéo dài trong 3 – 5 phiên sau đó, không phải là các thông tin bất ngờ, bởi Trung Quốc vẫn chưa thực sự có hợp đồng mua hàng lớn nào được thông báo chính thức, tất cả vẫn chỉ là tin đồn.

Thông tin đáng chú ý nhất và là thông tin “bullish” chính hỗ trợ giá các mặt hàng tăng điểm trong tối qua, là việc chính phủ Argentina có thể sẽ tiếp tục tăng thuế xuất khẩu thêm 3% so với các mức thuế đã tăng trong ngày 14/12. Cụ thể, chính phủ Argentina đang đệ trình lên Quốc hội dự luật mới, nhằm tăng thuế xuất khẩu đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành từ 30% lên 33% (trước đó là 24.7%); thuế xuất khẩu ngô và lúa mỳ tăng từ 12% lên 15% (trước đó là 6.7%). Ngoài ra, việc mua ngoại tệ tại Argentina sẽ bị đánh thuế 30%. Đây rõ ràng là các động thái nhằm tăng thu ngân sách của chính phủ Argentina, nhưng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho nông dân nước này. Ngay lập tức, hiệp hội nông dân Argentina cho biết họ sẽ giảm đầu tư cho mùa vụ hiện nay, mặc dù hơn 50% diện tích ngô và đậu tương đã được gieo trồng. Trả lời phỏng vấn của Reuters, đa số nông dân Argentina đều cho biết họ sẽ cắt giảm diện tích so với các kế hoạch ban đầu, nếu Quốc hội thông qua các mức thuế xuất khẩu mới này. Điều này có thể sẽ khiến giá ngũ cốc Argentina tăng cao, khó cạnh tranh hơn và sẽ là cơ hội xuất khẩu đối với các loại ngũ cốc từ Mỹ hay Brazil.

Đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành vẫn đóng cửa trong ngày hôm qua, với biên độ không khác gì vài phiên gần đây. Đậu tương đang ở mức cao nhất 5 tuần, nhờ các thông tin “bullish” từ Mỹ - Trung và Argentina. Ngoài ra, trên thị trường còn xuất hiện tin đồn Trung Quốc vừa cấp quotas nhập khẩu miễn thuế mới đối với 1 triệu tấn đậu tương Mỹ, có thể kích hoạt khá nhiều lệnh mua trong vài ngày tới. Đêm qua, Informa vừa giảm dự báo năng suất và sản lượng đậu tương Mỹ 2019/20 trong báo cáo đêm qua, là dấu hiệu cho thấy USDA có thể sẽ giảm nguồn cung trong báo cáo tháng 1 tới và cũng là thông tin hỗ trợ giá tăng điểm. Hiện nay, dầu đậu nành vẫn liên tục tăng mạnh và đang ở mức cao nhất 1 năm rưỡi, là nguyên nhân khiến khô đậu có mức tăng yếu hơn so với các mặt hàng khác. Nhưng do giá đã ở trên 300, nên các mô hình kĩ thuật cũng không còn ở trạng thái “bearish” nhiều như trước.

Ngô đóng cửa tăng điểm trong phiên hôm qua, dù không tăng quá mạnh trong thời gian gần đây nhưng các quỹ đầu cơ đang mua vào khá nhiều. Trên thị trường có tin đồn Trung Quốc đang hỏi mua ngô hoặc ethanol từ Mỹ, nhưng tin đồn này chưa được xác thực. Việc Argentina tăng thuế xuất khẩu rõ ràng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu ngô trong thời gian tới. Một mặt, nông dân sẽ khó bán hàng vụ cũ hơn, mặt khác nông dân có thể sẽ giảm sản lượng ngô 2019/20 so với các kế hoạch ban đầu. Đêm qua, Informa cũng giảm các dự báo về năng suất và sản lượng mùa vụ Mỹ 2019/20, là dấu hiệu cho thấy các số liệu này có thể sẽ bị giảm đi trong báo cáo WASDE tháng 1 sắp tới của USDA. Đây được coi là báo cáo chốt sản lượng mùa vụ của USDA và sẽ có tác động nhiều hơn bình thường đối với giá CBOT.

Lúa mỳ vẫn là mặt hàng có được mức tăng mạnh trên sàn CBOT, dù Mỹ - Trung không có tác động trực tiếp và cũng không có tin đồn Trung Quốc mua hàng trong vài ngày qua. Thông tin Argentina tăng thuế xuất khẩu lên 15% rõ ràng là tin xấu đối với lúa mỳ, bởi lúa mỳ Argentina là loại lúa mỳ cho TĂCN có giá rất cạnh tranh. Hôm qua, MARS đưa ra cảnh báo thời tiết không tốt đối với mùa vụ châu Âu, đặc biệt là có những nhận xét không tốt về tình trạng hạn hán ở Ukraina. Tại Nga, tuyết chưa rơi nhiều, độ ẩm đất cho lúa mỳ đang bị đánh giá ở mức kém. Trong khi đó, tại Úc, nhiệt độ tăng cao kỷ lục trong vài ngày qua càng khiến tình trạng hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn. Trên Twitter của một số nhà phân tích hàng đầu trong ngày hôm qua đã cảnh báo sản lượng lúa mỳ Úc có thể sẽ bị giảm dưới mức 15 triệu tấn.

Giaodich24