Ngoại trừ lúa mỳ, giá các loại hàng hóa trên sàn CBOT đều đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, trước thời điểm Mỹ và Trung Quốc công bố các chi tiết trong thỏa thuận thương mại. Rạng sáng ngày 16/01/2020 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đặt bút ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo thỏa thuận này, mức thuế 25% với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ được giữ nguyên. Trong khi đó mức thuế 15% được áp ngày 01/09/2019 lên 120 tỉ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7.5%. Tổng thống Donald Trump cho biết Trung Quốc sẽ mua 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ. Nhưng trong bài phát biểu sau đó, Phó thủ tướng Trung Quốc cho rằng việc các công ty Trung Quốc mua bao nhiêu hàng Mỹ là tùy thuộc vào nhu cầu thị trường trong nước. Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc, nước này sẽ nhập khẩu 40 tỷ USD hàng nông nghiệp Mỹ hàng năm. Nếu có nhu cầu cao, họ sẽ nhập khẩu nhiều hơn. Dù Trung Quốc cam kết sẽ thực thi thỏa thuận, nhưng cụm từ “tùy thuộc vào thị trường” sẽ khiến việc Trung Quốc có thực sự mua nhiều nông sản Mỹ hay không vẫn còn là dấu hỏi.

Đậu tương và dầu đậu nành giảm rất mạnh, còn khô đậu chỉ đóng cửa với mức giảm nhẹ. Thỏa thuận Mỹ - Trung không có thông tin trực tiếp nào liên quan đến đậu tương, cùng với các hợp đồng bán hàng chỉ 120,000 và 126,000 tấn trong 2 báo cáo Daily Export Sales gần đây, nên thị trường vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ mua nhiều đậu tương Mỹ trong thời gian tới. Có rất nhiều nguồn tin rằng Trung Quốc đã bán ra các hợp đồng mua đậu tương Brazil tháng 2 và tháng 3, nhưng nhu cầu thực tế của Trung Quốc trong giai đoạn trước Tết nguyên đán thường ở mức không cao, và chưa chắc Trung Quốc đã mua nhiều đậu tương Mỹ để thay thế vào các hợp đồng đã bán này. Báo cáo của NOPA ngày hôm qua là số liệu ép dầu cao hơn dự đoán và là mức cao kỷ lục trong tháng 12 hàng năm, nhưng cũng không tạo ra tác động “bullish” do thị trường đang bị chi phối bởi các thông tin liên quan đến Mỹ và Trung Quốc.

Dầu đậu nành giảm mạnh theo giá dầu cọ trong ngày hôm qua. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Malaysia leo thang và theo nguồn tin thị trường, các buyers Ấn Độ đã dừng mua dầu cọ của Malaysia kể từ đầu tuần này, khiến giá dầu cọ giảm mạnh. Số liệu tồn kho dầu đậu nành trong báo cáo của NOPA hôm qua cao hơn dự đoán và tăng so với tháng 11, cũng là thông tin “bearish” khiến giá dầu đậu nành giảm nhiều hơn. Trong bối cảnh này, dù khô đậu giảm theo xu hướng chung, nhưng sẽ vẫn có mức độ mạnh – yếu đối lập với dầu đậu nành, nên chỉ giảm nhẹ trong ngày hôm qua. Ở vùng giá 300 trên sàn CBOT, tâm lý mua hàng thật của khô đậu sẽ mạnh lên, trong đó sẽ có những lệnh pricing của các buyers đến từ Việt Nam. Đây là vùng giá mua hàng rất tốt trong trung – dài hạn.

Ngô đóng cửa giảm điểm nhẹ sau một phiên giao dịch giằng co với khoảng hẹp. Giá ngô trên sàn CBOT vẫn ở trong khoảng 380 – 390, và phiên hôm qua càng chứng minh sức mạnh của khoảng giao dịch này khi kháng cự ở vùng 390 bị phá vỡ. Các thông tin cơ bản của ngô không có gì đặc biệt. Thời tiết mùa vụ Argentina và Brazil thuận lợi trong 1 – 2 ngày tới, nhưng sẽ chuyển sang trạng thái khô hơn vào cuối tuần này.

Lúa mỳ là mặt hàng duy nhất đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua, trái chiều với xu hướng chung trên sàn CBOT. Giá lúa mỳ Soft Red Winter trên sàn Chicago đang ở mức cao nhất trong vòng 15 tháng, vượt qua kháng cự kĩ thuật 370. Có một số tin đồn rằng Trung Quốc sẽ mua lúa mỳ Mỹ sau thỏa thuận thương mại, cùng với các thông tin hạn chế xuất khẩu của Nga là nguyên nhân khiến thị trường đang có xu hướng tăng khá tốt trong ngắn hạn. Ngoài ra, việc Ai Cập liên tục tăng giá mua trong các buổi đấu giá, là bằng chứng cho thấy dù giá xuất khẩu tăng cao, nhưng nhu cầu của các nước nhập khẩu lớn là thiết yếu và họ sẽ vẫn phải mua thêm hàng ở vùng giá cao này. Đây sẽ là cơ hội xuất khẩu cho các châu Âu và Mỹ, khi mà giá lúa mỳ biển Đen trở nên ít cạnh trạnh hơn.

Giaodich24