Ngày hôm qua, Các loại hàng hóa trên sàn CBOT có diễn biến giao dịch khá giằng co và thận trọng trước thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Khi mà thỏa thuận này sẽ được ký kết trong vòng 24 giờ tới. Có nhiều nguồn tin cho rằng các chi tiết của thỏa thuận này sẽ không được công bố, nhưng hầu hết đều tin rằng Trung Quốc sẽ mua nhiều đậu tương Mỹ hơn sau khi ký thỏa thuận. Bằng chứng là việc các buyers của Trung Quốc đang bán ra số lượng lớn các hợp đồng mua đậu tương Brazil 2020/21, là động thái chuẩn bị mua vào đậu tương Mỹ. Theo nguồn tin thị trường, ít nhất 5 tàu đậu tương Brazil đã được bán trong ngày hôm qua, và sẽ có thêm 4 – 5 tàu nữa được bán trong 1 – 2 ngày tới. Đây sẽ là thông tin “bullish” đối với đậu tương Mỹ trên sàn CBOT.

Rạng sáng nay, Reuters đưa tin đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ra tuyên bố chung ngày 14/01 rằng "không có thỏa thuận giảm thuế trong tương lai. Bất kỳ tin đồn nào đi ngược lại với điều này đều sai". hãng Bloomberg thông tin rằng thuế áp lên hàng tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ giữ nguyên cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, sau đó phần thuế này có thể được gỡ bỏ.

Đậu tương và khô đậu có chung diễn biến trong phiên sáng hôm qua, khi giá tăng điểm dựa vào ký vọng Trung Quốc sẽ mua nhiều đậu tương Mỹ sau thỏa thuận, đặc biệt là sau số liệu nhập khẩu đậu tương rất tốt trong tháng 12 của nước này. Nhưng khi bước vào phiên tối, giá cả 2 mặt hàng đều quay đầu giảm điểm, trong đó khô đậu giảm mạnh hơn đậu tương do giá dầu đậu nành tăng điểm vào cuối ngày hôm qua. Trong bối cảnh giá đậu tương ít thay đổi, khô đậu và dầu đậu nành sẽ vẫn trái chiều nhau. Nguyên nhân khiến đậu tương và khô đậu giảm lại hôm qua do các vùng kháng cự kỹ thuật ở gần 950 và 308 đã tạo ra lực bán và đẩy giá xuống.

Dầu đậu nành đảo chiều thành công trong ngày hôm qua, đóng cửa tăng điểm nhẹ. Trước đó, lực bán trên thị trường khá lớn do giá dầu cọ có mức giảm mạnh nhất trong vòng 8 tháng qua. Ấn Độ tiếp tục gây sức ép lên các công ty nhập khẩu trong nước và gần như chặn mọi hoạt động nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia, khiến nỗi lo dư cung tăng lên. Tuy nhiên, đối với dầu đậu nành, đây có thể là sẽ dần chuyển thành thông tin “bullish” bởi Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu các loại dầu thực vật thay thế để phục vụ nhu cầu trong nước.

Ngô đóng cửa giảm nhẹ với khoảng giao dịch rất hẹp và giao dịch diễn ra ảm đạm trong cả ngày hôm qua. Thị trường rất thiếu các thông tin cơ bản đối với ngô, bởi Brazil vẫn đang ở trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch ngô vụ 1 và chưa tiến hành gieo trồng ngô vụ 2. Trong khi đó, ngô Argentina vẫn chỉ đang ở giai đoạn thụ phấn. Thời tiết tại Nam Mỹ thuận lợi hơn trong ngắn hạn, làm giảm bớt các lo ngại về hạn hán trước đó, nhưng chưa được coi là khung thời tiết lý tưởng cho mùa vụ. Vì thế, xu hướng đi ngang của ngô sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Lúa mỳ đóng cửa tăng điểm khá nhiều trong ngày hôm qua, sau thông tin chính phủ Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu 20 triệu tấn ngũ cốc cho nửa đầu năm 2020. Ngoài ra, còn có thông tin chính phủ Nga muốn có quyền hạn chế xuất khẩu trong một số trường hợp cụ thể, là thông tin hỗ trợ giá tăng điểm. Đến cuối ngày, GASC của Ai Cập thông báo đã mua 180,000 tấn lúa mỳ của Nga và 60,000 tấn lúa mỳ của Romania với giá cao hơn $4/tấn so với buổi đấu giá tuần trước. Đây rõ ràng là thông tin “bullish” mạnh và có thể khiến giá lúa mỳ thế giới tăng nhiều hơn trong phiên sáng nay. Khi người mua số 1 thế giới chịu chấp nhận mức giá nhập khẩu cao hơn, đương nhiên giá lúa mỳ thế giới có lý do để tăng cao hơn mức giá hiện tại.

Giaodich24