Giá các loại ngũ cốc trên sàn CBOT đóng cửa giảm điểm trong phiên hôm qua, theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán và hàng hóa trên toàn thế giới. Sau thông tin WHO công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, là việc Mỹ cấm toàn bộ du khách nhập cảnh từ châu Âu trong vòng 30 ngày, cho thấy virus Corona đang thực sự là mối đe dọa trên toàn thế giới. Các biến thể của Virus đã xuất hiện và lây lan khắp châu Âu, có thể sẽ ảnh hưởng tới giao dịch của thị trường. CME Group cũng đã thông báo sẽ đóng cửa hoạt động giao dịch “outcry” tại sàn kể từ sau phiên hôm nay và chưa biết khi nào sẽ mở cửa trở lại. Điều này không ảnh hưởng tới hoạt động trading điện tử, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tới khối lượng giao dịch các loạt mặt hàng trong tuần tới.

Đậu tương đóng cửa giảm mạnh trong phiên hôm qua, xuống mức thấp nhất từ giữa tháng 5 năm ngoái, và là mức đóng cửa thấp thứ 2 trên biểu đồ, khi thị trường có rất nhiều thông tin cơ bản “bearish”. Bên cạnh các tin tức vĩ mô nêu trên, trong báo cáo Export Sales tuần này, số liệu bán hàng đậu tương Mỹ ở mức thấp nhất từ đầu niên vụ 2019/20 khi Trung Quốc không những không mua thêm, mà còn hủy hợp đồng mua 90,300 tấn đậu tương Mỹ. Đây là số liệu gây thất vọng rất lớn và khiến giá giảm mạnh trước khi đóng cửa phiên sáng. Ngoài ra, các thông tin về dịch tả heo châu Phi lại xuất hiện các ổ dịch mới tại Trung Quốc, và đồng Real Brazil có thời điểm giảm xuống dưới mức 5 Real đổi 1 USD, so với mức 4 Real đổi 1 USD hồi đầu năm 2020, cũng là các thông tin tạo sức ép lên giá. Các thông tin “bearish” này hiện đang mạnh hơn các thông tin “bullish” về sản lượng Argentina. Buenos Aires Exchange giảm sản lượng đậu tương Argentina đi 2.5 triệu tấn và Rosario Exchange giảm dự báo đi 3.5 triệu tấn, phản ánh mức giảm chất lượng từ 70% tốt – tuyệt vời xuống chỉ còn 39% trong vòng 2 tuần qua. Nhưng cơn mưa trong tuần này đã quá muộn để có thể giúp mùa vụ hồi phục trở lại và đây vẫn là thông tin “bullish” mạnh trong vài phiên tới.

Dầu đậu nành là loại dầu thực vật nên việc bị tác động mạnh từ mức giảm của giá dầu thô cũng không có gì bất ngờ. Chính vì sự trái chiều với dầu đậu nành, kết hợp cùng tâm lý mua hàng thật, đã giúp khô đậu mạnh hơn các mặt hàng khác trong phiên hôm qua. Điều đáng chú ý là hợp đồng khô đậu tháng 5 đóng cửa tăng điểm nhẹ, trong khi các hợp đồng tháng xa hơn đóng cửa giảm điểm. Điều này cho thấy các buyers đã tận dụng thời điểm khô đậu giảm về sát mức 300 để tiến hành mua các hợp đồng tháng gần và đảm bảo nhu cầu trong ngắn hạn. Như Giaodich24 đã phân tích rất nhiều trước đó, mỗi khi giá giảm về vùng 300 trên sàn CBOT, các buyers châu Á trong đó có Việt Nam sẽ tiến hành mua hàng rất nhiều.

Ngô đóng cửa giảm mạnh trong ngày hôm qua, theo xu hướng chung của thị trường hàng hóa thế giới, chủ yếu do tác động từ các thông tin vĩ mô. Mặc dù không có các thông tin “bullish” từ Argentina, bởi cả Buenos Aires Exchange và Rosario Exchange đều giữ nguyên dự báo sản lượng đậu tương và ngô ở mức 50.0 triệu tấn, nhưng ngô lại có thông tin hỗ trợ giá tăng từ báo cáo Export Sales. Trong báo cáo tuần này, USDA thông báo bán hàng ngô đạt 1.47 triệu tấn, tăng 91% so với tuần trước, là số bán hàng rất tốt. Tất nhiên, con số này chưa thể thay đổi bức tranh xuất khẩu kém từ đầu niên vụ tới nay của Mỹ, nhưng vẫn là số liệu “bullish” và có thể khiến giá tăng trở lại nếu các thông tin vĩ mô không bị xấu đi nhiều trong ngày hôm nay. Tại thị trường Việt Nam, giá ngô flat đã giảm mạnh theo xu hướng của sàn CBOT trong ngày hôm qua và rất có thể sẽ xuất hiện nhiều tâm lý mua hàng các tháng xa (từ tháng 9 trở đi) hơn trong vài ngày tới, bởi vùng giá flat 190 – 192 (miền bắc) sẽ là vùng giá mua hàng rất an toàn trong trung – dài hạn.

Lúa mỳ đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, nhưng mức giảm ít hơn so với các mặt hàng khác. Báo cáo Export Sales của USDA là số liệu “bearish”, khi cả giao hàng và bán hàng đều giảm so với tuần trước. Tốc độ xuất khẩu lúa mỳ Mỹ chậm lại rất nhiều trong thời gian gần đây, khi cạnh tranh ngày càng lớn hơn từ Nga và châu Âu, có thể khiến USDA giảm xuất khẩu và tăng dự báo tồn kho trong thời gian tới. Hôm qua, thông tin chính phủ Nga chưa có ý định áp thuế xuất khẩu lúa mỳ, cũng là thông tin “bearish” đối với lúa mỳ Mỹ. Tại châu Âu, Strategie Grains giảm dự báo sản lượng lúa mỳ do thời tiết hạn hán ở Pháp, nhưng xuất khẩu lúa mỳ châu Âu lại được tăng dự báo do tốc độ xuất khẩu tốt tại Đức, nên báo cáo này có ít tác động đối với thị trường.

Giaodich24