Giá các loại ngũ cốc trên sàn CBOT đồng loạt đóng cửa với sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm qua, dù thị trường không có thông tin cơ bản nào quá đặc biệt. Có vẻ như tâm lý lo ngại đang bao phủ thị trường hàng hóa, trong bối cảnh thời hạn tăng thuế mà Tổng thống Donald Trump đặt ra đã gần kề. Câu hỏi liệu Mỹ có đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 15/12 hay không sẽ quyết định việc Mỹ và Trung Quốc có đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ngay trong đầu năm 2020 hay không.

Hôm qua, Hải quan Việt Nam đã phát hành báo cáo nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11, với các thông tin chính như sau:

• Nhập khẩu ngô từ 16/11 – 30/11 đạt 639,307 tấn, nâng nhập khẩu ngô trong cả tháng 11 lên mức 1.36 triệu tấn, so với mức 1.31 triệu tấn đã nhập khẩu trong tháng 10 và mức 955,351 tấn trong tháng 11 năm ngoái. Đây là mức nhập khẩu ngô theo tháng cao thứ hai từ trước đến nay của Việt Nam. Tính cả 11 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu ngô về Việt Nam đã đạt 10.38 triệu tấn, tăng 13.6% so với mức 9.14 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái (xem bài viết)

• Nhập khẩu đậu tương từ 16/11 – 30/11 đạt 90,439 tấn, nâng nhập khẩu đậu tương trong cả tháng 11 lên mức 114,807 tấn, so với mức 113,131 tấn đã nhập khẩu trong tháng 10 và mức 255,529 tấn trong tháng 11 năm ngoái. Tính cả 11 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu đậu tương về Việt Nam đã đạt 1.52 triệu tấn, giảm 10.4% so với mức 1.70 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

• Nhập khẩu lúa mỳ từ 16/11 – 30/11 đạt 77,647 tấn, nâng nhập khẩu lúa mỳ trong cả tháng 11 lên mức 234,553 tấn, so với 489,928 tấn trong tháng 10 và mức 136,523 tấn đã nhập khẩu trong tháng 11 năm ngoái. Tính cả 11 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu lúa mỳ về Việt Nam đã đạt 2.56 triệu tấn, giảm 46.1% so với mức 4.75 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành đều đóng cửa giảm điểm khá mạnh trong phiên hôm qua, với mức giảm tương đương giữa các mặt hàng. Các hãng tin lớn đều lý giải cho phiên giảm điểm này, là do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ, sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp của đậu tương trước đó. Tuy nhiên, G.O Commodities cho rằng lý do chính khiến giá giảm điểm vẫn đến từ tâm lý lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, các thông tin mới nhất từ Trung Quốc cho thấy dịch tả heo vẫn xuất hiện thêm các ổ dịch mới, có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến nhu cầu nhập khẩu đậu tương của nước này. Tối qua, báo cáo Daily Export Sales với số liệu bán 585,000 tấn đậu tương 2019/20 cho Trung Quốc, là số liệu cao nhất 8 tháng. Con số 585,000 tấn cũng nhiều hơn các tin đồn Trung Quốc đã mua 5 – 7 tàu đậu tương Mỹ trong tuần trước. Tuy nhiên, giá các mặt hàng vẫn đóng cửa giảm mạnh, cho thấy sự bất ổn ở thời điểm hiện tại. Đối với các buyers Việt Nam, vùng giá CBOT hiện tại đã là vùng giá mua hàng - pricing cực kỳ tốt cho các shipment tháng 1 – 2 – 3. Shipments tháng 4 – 5 vẫn có giá CBOT trên 300 nên chưa phải vùng giá mua hàng quá tốt ở thời điểm này.

Ngô đóng cửa giảm điểm trong phiên hôm qua và hợp đồng ngô tháng 3 (ZCH20) đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 3 tháng. Báo cáo WASDE tháng 12 của USDA không phải là báo cáo “bullish”, nhưng cũng không có tác động “bearish” mạnh, nên không phải lý do chính khiến giá giảm điểm. G.O Commodities cho rằng lo ngại về thu hoạch tại Mỹ đã qua đi, cùng với xu hướng giảm chung trên sàn CBOT, là nguyên nhân khiến ngô giảm điểm. Các thông tin cơ bản khác không có nhiều ý nghĩa với ngô. Với việc giá CBOT liên tục giảm mạnh, G.O Commodities cho rằng giá flat trên thị trường Việt Nam sẽ giảm trở lại trong thời gian tới, và các buyers sẽ có thể tiến hành mua hàng shipment tháng 1 – 2 – 3 nếu giá flat ở trên vùng 200 USD/tấn một chút (miền Nam rẻ hơn 2 – 3 USD). Đối với các shipments tháng xa, giá flat cũng có thể mua ở vùng 200 USD/tấn, việc mua basis rồi đợi CBOT giảm thêm có thể sẽ mang đến rủi ro nhiều hơn, bởi giá CBOT gần như đã ở vùng đáy và khó có thông tin cơ bản nào có thể khiến giá giảm sâu trong vòng 1 vài tháng tới.

Lúa mỳ giảm điểm trong ngày hôm qua, nối tiếp lực bán trước khi đóng cửa ngày thứ ba. Tồn kho cuối vụ lúa mỳ thế giới bất ngờ tăng trong báo cáo WASDE tháng 12 có lẽ là thông tin mạnh hơn so với việc tồn kho cuối vụ Mỹ bị giảm dự đoán. Tối qua, Coceral tăng dự báo sản lượng lúa mỳ châu Âu; Pháp tăng xuất khẩu lúa mỳ ra ngoài EU; đều là các thông tin “bearish” đối với lúa mỳ Mỹ. Trong thời gian gần đây, các báo cáo về mùa vụ ở Úc và Argentina vẫn ở mức xấu, nhưng mùa vụ tại châu Âu có những chuyển biến tích cực hơn, đặc biệt là ở khu vực Baltics.

Giaodich24