Giá các loại ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đều đóng cửa với các mức thay đổi rất nhỏ trong phiên hôm qua. Thông tin Iran nã 13 quả tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ cũng chỉ tạo ra một chút lo ngại về chiến tranh trong phiên sáng. Từ buổi chiều theo giờ Việt Nam, thị trường đã ổn định trở lại, và sau khi Tổng thống Mỹ khẳng định quân đội Mỹ không bị thương vong sau cuộc tấn công này, căng thẳng có lẽ sẽ dịu xuống và đương nhiên thông tin này sẽ không còn tác động lên thị trường ngũ cốc.

Thông tin đáng chú nhất trong tối qua là việc CONAB tăng dự báo sản lượng ngô và sản lượng đậu tương so với tháng trước. Đây là động thái khá bất ngờ, trái ngược với các mức giảm dự đoán của các tổ chức khác. Ngoài ra, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu cọ tinh chế, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Ấn Độ sẽ không thể mua dầu cọ từ Malaysia nữa. Điều này sẽ tác động “bearish” lên thị trường dầu thực vật trong ngắn hạn.

Đậu tương và khô đậu đóng cửa tăng nhẹ, dựa vào tâm lý “bullish” trước các báo cáo ngày 10/01, với dự đoán USDA sẽ giảm sản lượng và tồn kho cuối vụ đậu tương Mỹ. Trong khi đó, dầu đậu nành giảm theo giá dầu cọ do lo ngại dư cung tại Malaysia. Đáng chú ý là giá basis khô đậu và dầu đậu nành tại Argentina tăng mạnh trong ngày hôm qua (theo Reuters), do lo ngại các vấn đề tài chính của Vicentin sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung xuất khẩu. Nhìn chung thị trường không có nhiều thông tin cơ bản quá đặc biệt, nên giá sẽ chỉ tăng – giảm với mức độ nhỏ trong 1 – 2 phiên tới. Sau báo cáo ngày 10/01 của USDA, giá sẽ biến động mạnh hơn.

Ngô đóng cửa hầu như không thay đổi trong ngày hôm qua vỡi diễn biến khá giằng co. Báo cáo Daily Export Sales của USDA báo cáo bán 207,000 tấn ngô 2020/21 cho nước giấu tên, là thông tin “bullish”. Ngoài ra, giá còn nhận được hỗ trợ khi giảm gần về mức hỗ trợ kỹ thuật 381, nên giá đã tăng trở lại trong cuối phiên tối qua. Với diễn biến này, ngô sẽ tiếp tục giằng co ở trên 381 từ giờ tới trước các báo cáo ngày 10/01 của USDA.

Lúa mỳ đóng cửa tăng điểm nhẹ trong ngày hôm qua. GASC của Ai Cập đã mua 300,000 tấn lúa mỳ của Nga, Romania và Ukraina trong buổi đấu giá hôm qua. Điều đáng chú ý là giá mua hàng lần này cao hơn nhiều so với buổi đấu giá gần nhất hồi đầu tháng 12, và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2019 tới nay. Giá lúa mỳ xuất khẩu thế giới tăng, đặc biệt là ở khu vực biển Đen, sẽ tạo cơ hội xuất khẩu nhiều hơn cho lúa mỳ Mỹ trong thời gian tới. Vì thế, đây có thể coi là thông tin “bullish” và hỗ trợ giá tăng điểm nhẹ. Lúa mỳ sẽ khó tăng mạnh trước báo cáo, bởi thiếu các thông tin cơ bản quan trọng

Giaodich24