Giá các mặt hàng trên sàn CBOT đều đóng cửa với các mức thay đổi rất nhỏ trong phiên hôm qua. Có vẻ như dự đoán của Reuters trước các báo cáo ngày 10/01 tới đây của USDA cũng không thể tạo ra biến động mạnh trên thị trường và phải đợi sau báo cáo này, giá các mặt hàng mới có thể tăng – giảm mạnh hơn.
Thông tin đáng chú ý trong ngày hôm qua là Trung Quốc sẽ không tăng hạn ngạch nhập khẩu ưu đãi thuế đối với các mặt hàng ngô, lúa mỳ và gạo từ Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cho biết họ muốn bảo vệ nông dân trong nước trước hàng nhập khẩu, nên sẽ không tăng hạn ngạch dù trước đó đã cam kết sẽ mua nhiều nông sản Mỹ hơn.
Ấn Độ thì tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong nước không mua dầu cọ của Malaysia, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước tiếp tục leo thang. Luật Quốc tịch sửa đổi đang gây ra sự bất đồng trong nước Ấn Độ và Malaysia đã lên tiếng chỉ trích dự luật này.
Trên thị trường hôm qua cũng xuất hiện tin đồn chính phủ Argentina đang có kế hoạch tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu các loại ngũ cốc và hạt lấy dầu thêm 3%, mặc dù dự luật này đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua vào cuối tháng trước. Nông dân vẫn tiếp tục lái máy cày vào các thành phố lớn tại Argentina để biểu tình phản đối chính sách này, nên đây có thể là động thái nhằm xoa dịu nông dân của chính phủ Argentina. 
USDA chi nhánh Việt Nam hôm qua đã cập nhật các số liệu mới về nhập khẩu ngũ cốc của nước ta trong năm 2019/20. Theo đó, Việt Nam sẽ nhập khẩu 10.0 triệu tấn ngô, giảm so với mức 10.8 triệu tấn trong báo cáo trước, thấp hơn mức 11.5 triệu tấn trong báo cáo của USDA, và cũng thấp hơn mức 10.45 triệu tấn trong niên vụ trước. Nếu tính theo năm 2020, nhập khẩu của Việt Nam dự báo đạt 10.0 triệu tấn, so với 10.86 triệu tấn năm ngoái. Nhu cầu sử dụng ngô cho TĂCN dự báo sẽ giảm từ 13.0 xuống 12.5 triệu tấn trong năm nay do dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại cho ít nhất 50% đàn lợn tại nước ta. Nhập khẩu lúa mỳ trong năm 2020 và trong niên vụ 2019/20 dự báo đạt 3.5 triệu tấn, so với mức 3.7 triệu tấn trong báo cáo của USDA và mức 3.5 triệu tấn năm ngoái.
Đậu tương và khô đậu đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, còn dầu đậu nành đóng cửa tăng điểm nhẹ. Kịch bản vẫn tiếp tục diễn ra như những phiên trước, khi giá dầu đậu nành mạnh lên thì giá khô đậu sẽ yếu đi. Lực bán xuất hiện khá nhiều trong phiên sáng và nửa đầu phiên tối qua, do những cơn mưa tốt hơn ở cả Argentina và Brazil đã tạm thời làm giảm lo ngại ở những vùng bị hạn hán. Tuy nhiên, đến cuối phiên, giá đã tăng nhẹ trở lại dựa vào dự đoán giảm sản lượng và tồn kho trong báo cáo WASDE tháng 1 của USDA. Tiến sĩ Cordonnier hôm qua đã giảm dự báo sản lượng đậu tương của Brazil đi 1 triệu tấn,do thời tiết khô hạn ảnh hưởng tới năng suất tại các bang phía nam.
Ngô đóng cửa ít thay đổi với khoảng giao dịch chỉ 2.5 cents trong ngày hôm qua. Diễn biến giao dịch rất lình xình và không có gì đặc biệt. Những cơn mưa tại Brazil và Argentina tuy làm giảm lo ngại về tình trạng hạn hán, nhưng khác với đậu tương, các vùng trồng ngô tại Nam Mỹ năm nay có thời tiết xấu hơn và năng suất nhiều khả năng sẽ bị điều chỉnh giảm trong thời gian tới. Tiến sĩ Cordonnier giảm dự báo sản lượng ngô của Brazil đi 1 triệu tấn trong ngày hôm qua, với mức giảm đến từ sản lượng ngô vụ 1 tại Rio Grande do Sul và phía nam Parana sau giai đoạn thiếu mưa trong tháng 12.
Lúa mỳ đóng cửa ít thay đổi trong phiên hôm qua, nhưng diễn biến giao dịch khá đáng chú ý. Giá giảm trong phần lớn thời gian, nhưng bất ngờ tăng mạnh vào thời điểm trước khi đóng cửa ngày. Giaodich24 chưa ghi nhận có thông tin cơ bản bất thường nào, nên có thể đây là hoạt động của các quỹ đầu cơ đã đẩy giá lên. Giá lúa mỳ vẫn đang giằng co ở vùng tâm lý 550, sẽ là vùng giá nhạy cảm, quyết định xu hướng của lúa mỳ trong ngắn hạn.

Giaodich24