Sàn CBOT giao dịch tương đối ảm đạm trong phiên hôm qua, khi các thông tin cơ bản ít hơn nhiều so với ngày thứ 2. Tổng thống Mỹ Donald Trumo cho biết Trung Quốc đang mua nông sản Mỹ theo đúng kế hoạch và cam kết trước đó, dù các báo cáo xuất khẩu của Mỹ cho thấy Trung Quốc mua ít đậu tương hơn nhiều so với kỳ vọng. Trong bối cảnh Trung Quốc và Brazil đang gia tăng căng thẳng chính trị liên quan tới đại dịch Covid-19, có nhiều nguồn tin kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ tạm thời chuyển sang mua đậu tương Mỹ, như một động thái một mũi tên trúng 3 đích: vừa thực hiện cam kết mua hàng đã ký với Mỹ; vừa dằn mặt Brazil; vừa đảm bảo nguồn cung ngắn hạn trong nước, do hàng mua từ Nam Mỹ đang có tốc độ giao hàng chậm.

Cơ quan NASS trực thuộc Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết sẽ tổ chức khảo sát lại một số vùng thu hoạch ngô và đậu tương muộn tại Mỹ và các số liệu mới về diện tích và sản lượng sẽ được cập nhật trong báo cáo Crop Production và WASDE tháng 5 của tổ chức này.

Đậu tương đóng cửa không đổi trong phiên hôm qua, giảm nhẹ không đáng kể đối với các hợp đồng tháng gần và tăng nhẹ đối với các hợp đồng tháng xa. Giá tăng trong phiên sáng, nhờ các thông tin kể trên từ Mỹ - Brazil và Trung Quốc. Nhưng sang đến phiên tối, lực bán vẫn tiếp tục xuất hiện nhiều hơn và khiến giá giảm trở lại. Tập đoàn Cofeed của Trung Quốc dự báo nhập khẩu đậu tương của nước này sẽ giảm trong tháng 4, và các buyers vẫn chưa mua nhiều đậu tương Mỹ như kỳ vọng. Giá đậu tương Mỹ xuất khẩu tới Trung Quốc hiện đang đắt hơn 14 USD/tấn so với đậu tương Brazil, dù có thời điểm khoảng cách này đã gần được san lấp vào đầu tháng 4. Bất lợi về giá sẽ khiến đậu tương Mỹ rất khó cạnh tranh, và các buyers Trung Quốc sẽ chỉ mua nhiều đậu tương Mỹ khi được chính phủ chỉ đạo.

Khô đậu vẫn tiếp tục giảm, đã là phiên giảm thứ 6 liên tiếp và xuống mức thấp nhất 1 tháng rưỡi. Chuỗi 6 phiên giảm này đã khiến khô đậu giảm hơn 30 USD, tuy nhiều, nhưng vẫn chậm hơn mức tăng gần 40 USD chỉ trong 5 phiên kể từ ngày 17/03. Giá tăng trước đó do các lo ngại về vấn đề logistics và ép dầu tại Argentina. Nhưng hiện nay, các thông tin mới nhất cho thấy hoạt động xuất khẩu tại Argentina vẫn đang diễn ra bình thường, có chậm trễ nhưng không quá nghiêm trọng. Vì thế, khô đậu đã giảm lại vùng đáy, và đã ở vùng giá pricing cực kỳ hấp dẫn đối với các nhà máy TĂCN tại Việt Nam.

Dầu đậu nành đang có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, lên mức cao nhất gần 1 tháng, cũng là nguyên nhân khiến giá khô đậu yếu đi. Giá dầu thô Malaysia tăng 2.9% trong ngày hôm qua, là mức tăng theo ngày mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua. Báo cáo từ nước này cho thấy lệnh phong tỏa ở tỉnh Sabah sẽ gây thiệt hại lớn về sản lượng, rõ ràng là thông tin “bullish” và hỗ trợ giá các loại dầu thực vật tăng lên.

Ngô đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua, đã kết thúc chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp trước đó. USDA chi nhánh Brazil giảm dự báo sản lượng ngô của nước này đi 1 triệu tấn so với báo cáo tháng 3 của USDA, đúng với xu hướng nhận định chung của các tổ chức uy tín trên thế giới. Hạn hán ở bang Rio Grande do Sul có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều so với các nhận định ban đầu, thậm chí có thể khiến sản lượng ngô Brazil ở dưới mức 100 triệu tấn. Xuất khẩu ngô Brazil dự báo thấp hơn của USDA tới 2 triệu tấn, cũng là thông tin hỗ trợ giá tăng hồi phục trở lại. Trên thị trường hàng thật, Hàn Quốc mua gần 200,000 tấn ngô trong các buổi đấu giá gần đây, và cũng xuất hiện tin đồn Trung Quốc đang hỏi mua ngô Mỹ trong ngắn hạn.

Lúa mỳ đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, với mức giảm trung bình của tháng gần và giảm rất nhỏ đối với các hợp đồng tháng xa. Không có gì bất ngờ khi lúa mỳ giảm điểm, sau báo cáo Crop Progress rạng sáng qua của USDA. Chất lượng lúa mỳ vụ đông bất ngờ tăng lên so với báo cáo hồi tháng 12 của tổ chức này và cũng cao hơn chất lượng năm ngoái, hoàn toàn trái ngược với các dự đoán trước đó. Báo cáo từ Pháp cho thấy diện tích gieo trồng lúa mỳ giảm nhẹ so với báo cáo tháng trước, chỉ đóng vai trò ngăn không cho giá lúa mỳ Chicago giảm sâu hơn.

Giaodich24