Sàn CBOT giao dịch ảm đạm trong phiên sáng hôm qua, nhưng sôi động hơn khá nhiều trong phiên tối. Dù thị trường có ít thông tin cơ bản mới, nhưng các thông tin cũ, cùng với thông tin các nước châu Âu và Mỹ đang dần nới lỏng cách ly đã tạo ra lực mua đối với thị trường nguyên liệu TĂCN. Ngoài ra, do giá các mặt hàng đang ở mức thấp, nên tâm lý mua hàng thật cũng mạnh hơn và là nguyên nhân khiến giá ngô, đậu tương tăng điểm. Riêng lúa mỳ đóng cửa giảm điểm, do các yếu tố cơ bản của riêng mặt hàng này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các nhà máy chế biến thịt duy trì hoạt động để đảm bảo nguồn cung thực phẩm của quốc gia giữa đại dịch virus corona. Tới nay ước tính có khoảng 3,300 nhân viên ngành chế biến thịt dương tính với virus corona và 20 người đã tử vong.

Dầu đậu nành vẫn đang là mặt hàng tăng điểm tốt nhất và kéo giá đậu tương và khô đậu đi lên. Giá dầu thực vật đang nhận được tác động tích cực từ mức tăng 22% của giá dầu WTI và 10% của giá dầu Brent trong ngày hôm qua. Giá dầu đậu nành tăng lên, khiến giá khô đậu tăng ít hơn so với toàn thị trường.

Tối qua, USDA báo cáo hợp đồng bán 108k tấn đậu tương cho Mexico, không phải con số lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu đậu tương Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, bất kỳ hợp đồng bán hàng nào cũng là thông tin hỗ trợ giá. Ngoài ra, đồng Real Brazil tăng giá 3% so với Dollar Mỹ trong ngày hôm qua, là thông tin hạn chế phần nào lực bán của nông dân nước này, hỗ trợ giá các mặt hàng ngũ cốc trên sàn CBOT. ANEC dự báo xuất khẩu đậu tương của Brazil sẽ bị giảm từ 80 xuống 72 triệu tấn, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, là thông tin tốt cho đậu tương Mỹ, bởi Mỹ sẽ có thể tham gia vào các thị trường xuất khẩu mà Brazil bỏ lại. Các thông tin này đều là thông tin “bullish” và hỗ trợ giá tăng điểm.

Ngô đóng cửa tăng nhẹ trong ngày hôm qua, khi vùng hỗ trợ 310 vẫn đang chứng tỏ là mức chặn dưới rất cứng trên biểu đồ ngô tháng 7. Giai đoạn đầu phiên tối qua, ngô vẫn bị giảm rất mạnh và đẩy giá xuống dưới hỗ trợ 310, khi các thông tin cơ bản cũ vẫn đè nặng lên giá, đặc biệt là báo cáo của CEC tăng dự báo sản lượng ngô Nam Phi. Báo cáo tuần này của EIA là tuần thứ 10 liên tiếp sản lượng ethanol bị giảm ở Mỹ, khiến các chuyên gia nhận định nhu cầu sử dụng ngô cho sản xuất ethanol có thể sẽ bị giảm ít nhất 30% so với các dự đoán trước đó cho niên vụ 2019/20. Tuy nhiên, điểm sáng trong báo cáo tuần này của EIA là việc tồn kho ethanol đã giảm trở lại sau 5 tuần tăng liên tiếp trước đó. Điều này có thể làm giảm các lo ngại về kho chứa, và đẩy giá dầu tăng lên, sẽ hỗ trợ cả giá ngô trong ngắn hạn. Ngoài ra, việc đồng Real Brazil tăng giá so với Dollar Mỹ cũng là thông tin khiến giá tăng trong cuối ngày hôm qua.

Lúa mỳ đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, khi những cơn mưa ở châu Âu đang giải tỏa rất nhiều lo ngại về mùa vụ trước đó. Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng chất lượng mùa vụ tại Pháp và Đức năm nay sẽ vẫn rất kém và điều này không thể bị đảo ngược chỉ sau một vài trận mưa vừa qua. Tuy nhiên, mưa sẽ giúp chất lượng không bị giảm thêm và dù sao cũng là thông tin tốt hơn đối với lúa mỳ, sau giai đoạn khô hạn kéo dài từ đầu tháng 4 tới nay.

Giaodich24