CBOT: Đậu tương kéo khô đậu tương và dầu đậu tương giảm theo

 

Giá các loại ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đều có các biến động ở mức trung bình trong ngày hôm qua. Ngoại trừ lúa mỳ có mức tăng khá tốt, các mặt hàng còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ, do giá chịu ảnh hưởng từ các thông tin cơ bản khác nhau.

Rạng sáng nay, các đoàn khảo sát của Pro Farmer Crop Tour 2020 sẽ kết thúc ngày cuối cùng và đưa ra kết quả năng suất ngô và đậu tương trung bình trên cả nước. Con số này sẽ giúp chúng ta có được đánh giá thực tế về năng suất mùa vụ năm nay tại Mỹ, so với các con số có phần lý thuyết của USDA.

Đậu tương đóng cửa giảm gần 1%, với mức giảm của các hợp đồng tháng xa ít hơn so với các hợp đồng tháng gần. Giá đậu tương tháng 11 khi giảm về gần hỗ trợ tâm lý ở mức 900 đã có nhiều lực mua hơn và tạm thời chặn được đà giảm mạnh trước đó. Do đóng cửa trên mức 900 nên đậu tương vẫn giữ được khoảng giao dịch 900 – 920 và đi theo khá đúng với các mức hỗ trợ – kháng cự trên biểu đồ kỹ thuật. Kết quả ngày khảo sát thứ 3 khá tốt trong Crop Tour của Pro Farmer là nguyên nhân chính khiến giá giảm trong ngày hôm qua. Báo cáo Export Sales với số liệu bán hàng thấp của niên vụ 2019/20, nhưng bán hàng 2020/21 vẫn có tốc độ rất tốt nhờ các đơn hàng liên tiếp của Trung Quốc. Số liệu giao hàng mới chỉ đạt 41.96 triệu tấn, so với mức 44.91 triệu tấn mà USDA dự đoán Mỹ sẽ xuất khẩu trong cả niên vụ 2019/20, trong bối cảnh còn 2 tuần nữa là kết thúc mùa vụ. Đây là số liệu giao hàng trung bình và xuất khẩu đậu tương có thể sẽ đạt đúng kỳ vọng mà USDA đang đề ra. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, bán hàng vụ 2020/21 cho Trung Quốc đã đạt xấp xỉ 12 triệu tấn, cao gấp 4 lần so với trung bình 5 năm gần đây. Đây sẽ là yếu tố “bullish” chính hỗ trợ giá đậu tương trong thời gian tới.

Dầu đậu tương đã giảm khá mạnh 1.5% trong phiên hôm qua, sau 3 phiên tăng liên tiếp từ đầu tuần. Vùng giá 32 cho thấy đây là ngưỡng kháng cự mạnh về mặt kỹ thuật, đã tạo sức ép rất lớn lên giá dầu đậu tương. Khô đậu tương cũng chịu tác động từ số liệu “bearish” giống như đậu tương trong báo cáo Export Sales, khi mà doanh số bán hàng ở mức thấp nhất niên vụ, vì thế mặt hàng này cũng giảm phiên thứ 3 liên tiếp để về sát hỗ trợ 300.

Ngô đóng cửa với mức giảm nhẹ không đáng kể trong phiên hôm qua. Diễn biến giao dịch tương đối giằng co với khoảng giao dịch trung bình, cho thấy tâm lý thị trường đang chờ đợi các thông tin cơ bản đặc biệt hơn. Số liệu trong Crop Tour ngày 3 của Pro Farmer đối với ngô ở Illinois và một phần bang Iowa về lý thuyết là thông tin “bullish”. Nhưng các mức thiệt hại do bão Derecho gây ra có vẻ như không lớn như các nhận định ban đầu, là yếu tố khiến ngô không tăng mạnh theo các số liệu này. Có lẽ phải đợi kết quả khảo sát ngày cuối cùng (sẽ có trong sáng nay) để chúng ta đánh giá được thiệt hại cụ thể về năng suất tại Iowa, bang có diện tích trồng ngô lớn nhất và là bang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ bão trong thời gian gần đây. Theo báo cáo mới nhất của NOAA, tình trạng hạn hán ở trung tâm Midwest đang gia tăng, dự báo lượng mưa trong 5 ngày tới cũng ở mức thấp, có thể sẽ hỗ trợ giá ngô trong ngắn hạn, ít nhất cũng sẽ an toàn ở trên mức 330.

Lúa mỳ là mặt hàng duy nhất trên sàn CBOT đóng cửa tăng trong ngày hôm qua với mức tăng khá tốt. Sau khi bật lên từ vùng hỗ trợ 500, giá tăng một mạch lên sát kháng cự ở mức 520. Kể từ tuần sau, thanh khoản của thị trường hầu như sẽ chuyển toàn bộ sang hợp đồng lúa mỳ tháng 12.  Báo cáo Export Sales với số liệu bán hàng tốt, đã giúp thị trường đảo chiều tăng trở lại vào phiên tối. Trong khi các thông tin về băng giá tại Argentina sẽ tiếp tục gây ra thiệt hại lớn hơn đối với mùa vụ lúa mỳ đang diễn ra, và có thể khiến sản lượng lúa mỳ của nước này bị giảm dự báo trong thời gian tới. Trên thị trường lúa mỳ vẫn đang có 2 luồng thông tin đối lập nhau, đó là sản lượng gia tăng ở Nga, Úc và Ấn Độ, đối lập với triển vọng giảm sản lượng ở Mỹ, châu Âu và Argentina. Các mức tăng hay giảm mạnh hơn sẽ quyết định xu hướng giá của lúa mỳ trong ngắn hạn.

Giaodich24