Ngoại trừ lúa mỳ, giá các loại ngũ cốc và hạt lấy dầu khác trên sàn CBOT đều đóng cửa giảm điểm trong phiên đầu tuần, do lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tới việc Trung Quốc nhập khẩu các loại nông sản của Mỹ trong thời gian tới. Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả nặng nề nếu không tuân thủ thỏa thuận thương mại với Mỹ. Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trì trệ và hai nước đang đấu khẩu về dịch COVID-19.

Đậu tương là mặt hàng đóng cửa giảm mạnh nhất trong ngày hôm qua, cũng không có gì bất ngờ do Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương số 1 thế giới và nếu căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, đậu tương sẽ là mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tốc độ xuất khẩu đậu tương Mỹ từ đầu niên vụ 2019/20 tới nay vẫn đang rất chậm, chậm hơn nhiều so với kế hoạch của USDA. Nhưng USDA vẫn không giảm mạnh các dự đoán xuất khẩu, do kỳ vọng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh mua hàng vào giai đoạn cuối niên vụ 2019/20 theo các thỏa thuận thương mại trước đó. Nếu chiến tranh thương mại nổ ra 1 lần nữa, không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ thực hiện các cam kết này. Trong báo cáo Crop Progress rạng sáng nay, tiến độ gieo trồng đậu tương đã đạt 23%, cao hơn nhiều so với năm ngoái và trung bình 5 năm qua. Thời tiết khô ráo giúp gieo trồng nhanh hơn ở toàn bộ 100% các vùng sản xuất đậu tương lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, nếu khung thời tiết thiếu mưa kéo dài, chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều lo ngại trong giai đoạn chuẩn bị nảy mầm đậu tương sắp tới.

Khô đậu và dầu đậu nành đều giảm theo đậu tương trong ngày hôm qua với mức giảm tương đương. Đối với khô đậu, xu hướng giằng co và lình xình vẫn tiếp tục diễn ra, khi các buyers châu Á vẫn đang mua vào nhưng lượng mưa có vẻ chưa lớn như các kỳ vọng trước đó. Các buyers tại Việt Nam hiện vẫn chưa mua nhiều khô đậu do giá basis ở mức cao. Trong khi đó, xu hướng giảm mạnh hơn 5% trong ngày hôm qua trên thị trường dầu cọ đã có tác động tiêu cực lên giá dầu đậu nành. Mặc dù thị trường dầu thô đang liên tục tăng trong những phiên gần đây, nhưng những dự báo sản lượng dầu cọ Malaysia sẽ tăng 15% so với tháng 3 và lên mức cao nahát 6 tháng, là thông tin tạo sức ép khiến giá giảm điểm.

Ngô đóng cửa giảm nhẹ chưa đến 1% trong ngày giao dịch hôm qua. Thậm chí xu hướng của thị trường trong phiên tối còn nghiêng nhiều hơn về bên mua khi giá bật lên ở gần mức hỗ trợ quan trọng 310 và đóng cửa cách xa hỗ trợ 310, chưa tạo ra các tín hiệu “bearish” mạnh về mặt kĩ thuật. Báo cáo Export Inspections với số liệu giao hàng rất tốt trên 1.2 triệu tấn, là động lực khiến thị trường tăng điểm. Trong báo cáo Crop Progress rạng sáng nay, tiến độ gieo trồng ngô đã đạt 51%, nhanh hơn rất nhiều so với các năm trước. Thời tiết khô ráo giúp nông dân Mỹ gieo trồng ngô nhanh hơn, nhưng cũng sẽ gây ra nhiều lo lắng về chất lượng mùa vụ nếu các vùng sản xuất chính vẫn không có nhiều mưa trong vòng 3 – 4 tuần tới. Giai đoạn tháng 5 – 6 sẽ là giai đoạn rất nhạy cảm đối với mùa vụ ngô tại Mỹ, bởi đây là giai đoạn thụ phấn của ngô, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất thu hoạch sau này.

Lúa mỳ là mặt hàng duy nhất đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, giá tăng cũng không phải vì có thông tin cơ bản nào đặc biệt, mà chủ yếu giá tăng do có lực mua hỗ trợ ở vùng giá 500 – 510, đến từ nhóm phân tích kĩ thuật và đầu cơ. Các thông tin cơ bản của lúa mỳ cũng không “bearish” đến mức có thể khiến giá giảm xuống vùng 4xx, nên việc giá tăng lên từ hỗ trợ 500 có thể được dự báo từ trước. Trong báo cáo Crop Progress rạng sáng nay, chất lượng lúa mỳ vụ đông tăng 1%, tiến độ gieo trồng vụ xuân rất nhanh đều là thông tin “bearish”, nhưng có thể sẽ không thể khiến lúa mỳ giảm mạnh. Nếu tâm lý mua theo phân tích kĩ thuật vẫn được duy trì, Giaodich24 cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

Giaodich24