Sàn giao dịch CBOT tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong ngày hôm qua, khi các số liệu bán hàng của các loại ngũ cốc trong báo cáo Export Sales tuần này của USDA đều có tác động “bearish” đối với thị trường. Ngoài ra, tác động từ đại dịch Covid-19 đối với ngành chế biến thịt và chăn nuôi tại Mỹ đang trở nên rõ ràng hơn và có thể ảnh hưởng tới nhu cầu nguyên liệu TĂCN trong thời gian tới. Thị trường có rất nhiều thông tin cơ bản trong ngày hôm qua, nhưng khi lọc ra các thông tin quan trọng nhất, đây đều là các thông tin khiến giá giảm điểm.

Đậu tương có phiên giảm thứ 4 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. Trong báo cáo Export Sales của USDA, bán hàng đậu tương ở mức thấp nhất từ đầu niên vụ và giảm 53% so với tuần trước. Ngay sau báo cáo của USDA, giá đậu tương đã giảm rất mạnh và duy trì được mức giảm mạnh này trong cả phiên tối. Hiện nay, giá đậu tương đã cách xa kháng cự kỹ thuật 850, khiến mô hình giá tháng 5 đang “bearish” trong ngắn hạn. Tại Brazil và Argentina, sản lượng đậu tương vẫn đang có chiều hướng bị giảm dự đoán, nhưng các mức giảm này chưa đủ lớn để đối trọng lại các thông tin “bearish” rất mạnh trong vòng 1 tuần qua.

Dầu đậu nành giảm điểm nhiều hơn và khô đậu giảm ít hơn trong ngày hôm qua. Sau thông tin chính phủ Malaysia có thể dừng chương trình dầu sinh học B20, sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng dầu cọ tại nước này, giá dầu cọ đã giảm gần 2%, tạo áp lực giảm lên các loại dầu thực vật khác, trong đó có dầu đậu nành. Đối với khô đậu, giá đang ở vùng thấp và xu hướng giảm 10 phiên liên tiếp trước đó đã bị chặn lại vào hôm thứ tư, nên lực bán không còn quá mạnh trong ngày hôm qua. Các buyers Việt Nam vẫn đang rất thận trọng và chưa vội mua hàng các tháng xa, khi giá basis đang ở mức cao.

Ngô đóng cửa giảm nhẹ trong ngày hôm qua, với mức giảm của các tháng xa nhiều hơn tháng gần. Sau báo cáo Export Sales gây thất vọng của USDA, giá giảm điểm trước khi đóng cửa phiên sáng. Nhưng khi bước vào phiên tối, ngô có lực mua tốt hơn, có thể là nhờ lực mua hỗ trợ ở mức 320 quan trọng, kết hợp với tâm lý mua hàng thật và bắt đáy của giới đầu cơ. Giaodich24 cho rằng giá ngô hiện tại đang thấp hơn so với cung – cầu thực tế, và đây sẽ là vùng giá pricing rất tốt đối với các buyers Việt Nam. Thông tin rất đáng quan tâm trong ngày hôm qua là việc Hàn Quốc đã bắt đầu nhập khẩu ngô ở vùng giá 181 – 182 USD/tấn CNF. Các buyers Việt Nam thường sẽ mua chậm hơn và thấp hơn một chút so với Hàn Quốc, nên thông tin này báo hiệu sắp có 1 lượng mua hàng lớn được đẩy ra thị trường chỉ trong vài ngày tới.

Lúa mỳ là mặt hàng giảm mạnh nhất trong ngày hôm qua. Dù số liệu giao hàng trong báo cáo Export Sales cao nhất từ đầu niên vụ, nhưng bán hàng lại bị giảm tới 31% so với tuần trước. Tính theo chênh lệch so với mức xuất khẩu dự kiến cả niên vụ 2019/20 mà USDA đang đề ra, giao hàng không phải là yếu tố đáng lo, nhưng giao hàng lại cần phải cải thiện rất nhiều để đạt được kế hoạch này. Đến cuối phiên tối, đà tăng tiếp tục mạnh lên sau thông tin mua hàng của GAS, Ai Cập. Giá mua lúa mỳ giảm xuống so với buổi đấu giá vài ngày trước đó; và Ai Cập tiếp tục bỏ qua lúa mỳ Mỹ trong đợt đấu giá này, rõ ràng là thông tin “bearish”, khiến lúa mỳ giảm tới tận thời điểm đóng cửa phiên.

Giaodich24