CBOT: Các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm trong phiên hôm qua

 

Kết thúc phiên hôm qua, sắc đỏ tràn ngập trên bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu. Các mức giảm đa phần đều dưới 1% với diễn biến khá bất ngờ khi mở cửa phiên tối.

Không có quá nhiều thông tin cơ bản tác động lên giá từng mặt hàng, thậm chí một số thông tin về bán hàng và chất lượng mùa vụ còn mang xu hướng “bullish”, vì thế thị trường phản ứng chủ yếu theo tâm lý chốt lời trong ngắn hạn của một số nhà đầu cơ sau khi giá đã tăng đột biến nhờ tác động của báo cáo Cung – cầu tháng 9.

Đậu tương đóng cửa có phiên giảm đáng kể đầu tiên sau 1 thời gian dài tăng mạnh trước đó. Báo cáo Crop Progress cho thấy chất lượng đậu tương bất ngờ giảm 2% về mức 63%, trái với dự đoán chất lượng không đổi của thị trường là nguyên nhân chính khiến giá tăng nhẹ trong phiên sáng. Tuy nhiên khi mở cửa phiên tối, bất chấp đơn hàng 264,000 tấn đậu tương cho Trung Quốc và một quốc gia giấu tên thì giá đậu tương vẫn quay đầu giảm đến 10 cents. Mặc dù đây đã là ngày thứ 6 liên tiếp Trung Quốc mua đậu tương của Mỹ, nhưng khối lượng đang có xu hướng giảm, trong khi thị trường kỳ vọng vào các đơn hàng lớn hơn tại thời điểm này do tốc độ thực hiện cam kết của Trung Quốc vẫn đang khá chậm và nguồn đậu tương của Mỹ gần như là lựa chọn tốt nhất tại thời điểm này. Do đó, việc doanh số bán hàng ở mức trung bình kết hợp cùng thông tin về tồn kho đậu tương tại Trung Quốc đang gia tăng khiến dấy lên lo ngại về khả năng xuất khẩu trong thời gian tới. Giá không vượt hẳn lên được khỏi vùng 1000 trong 2 phiên liên tiếp đã khiến một bộ phận nhà đầu tư đồng loạt chốt lời, là nguyên nhân chủ yếu tạo sức ép lên giá đậu tương trong ngày hôm qua.

Bên cạnh đấy, số liệu từ báo cáo của NOPA cũng là một yếu tố “brearish”, khi ép dầu trong tháng 8 đã giảm gần 8 triệu giạ so với tháng 7, thấp hơn đến 4 triệu giạ so với dự đoán trung bình của thị trường. Tuy nhiên giá vốn đã suy yếu mạnh từ trước đó nên mức giảm sau đó không đáng kể. Giá đậu tương hồi phục nhẹ vào cuối phiên do lực mua hỗ trợ tại vùng 990 và vẫn đang nằm phía trên đường xu hướng. Vì thế diến biến giá trong phiên hôm nay sẽ có vai trò quyết định đối với hướng đi của đậu tương trong tuần này.

Khô đậu tương và dầu đậu tương đồng loạt giảm theo sự yếu đi của giá đậu tương. Khô đậu tương bị đẩy xuống dưới mức hỗ trợ 320 và dù cũng nhận được lực mua hỗ trợ tại đây nhưng sức ép bán lớn vẫn khiến giá khô đậu đóng cửa ở dưới mức này. Xuất khẩu khô đậu tương tháng 8 trong báo cáo của NOPA giảm 122,000 short tấn so với tháng 7 cũng là nguyên nhân khiến giá khô đậu suy yếu thêm. Qua đó, lại giúp cho dầu đậu tương hồi phục nhẹ trong cuối phiên hôm qua. Tồn kho dầu đậu tương đã giảm về mức 1.52 tỉ pounds, so với 1.62 tỉ pounds trong báo cáo tháng trước của NOPA, cùng với mức tăng của giá dầu thô và dầu cọ có thể tiếp tục là các thông tin hỗ trợ giá dầu đậu tương trong tuần này.

Ngô kết thúc phiên hôm qua với các diễn biến tương đồng với đậu tương, sau khi giá tăng trong phiên sáng nhờ chất lượng giảm 1% tốt – tuyệt vời trong báo cáo Crop tuần này, nhưng lại giảm trở lại vào phiên tối bất chấp việc USDA đã bán thêm 120,000 tấn ngô cho một quốc gia giấu tên. Mùa vụ ngô năm nay tại Mỹ đã bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch, vì thế các yếu tố về tiến độ sẽ có tác động quan trọng hơn trong thời gian sắp tới. Thời tiết tại Midwest tuần này khá khô, sẽ giúp cho tốc độ thu hoạch được đẩy mạnh và giảm lo ngại về tác động về khả năng sương giá có thể đến sớm trong mùa đông năm nay. Do đó, đây là yếu tố chính khiến giá ngô chịu áp lực trong phiên hôm qua. Chính phủ Mỹ cho biết thêm, nhu cầu Ethanol nhiều khả năng sẽ không thể hồi phục về mức trước đại dịch, ít nhất là đến năm 2022, sẽ là cản trở lớn đối với giá ngô trong thời gian tới.

Lúa mỳ là mặt hàng giảm mạnh nhất trong nhóm nông sản trong ngày hôm qua. Với lực bán ra duy trì đều đặn suốt từ phiên sáng và cũng giảm rất mạnh trong đầu phiên tối. Tốc độ thu hoạch lúa mỳ vụ xuân và gieo trồng lúa mỳ vụ đông tại Mỹ trong báo cáo Crop đều đang nhanh hơn so với năm ngoái. Thời tiết hiện tại chưa có trở ngại nào đáng kể đến mùa vụ năm nay, do đó giá lúa mỳ sẽ có thể phản ứng nhiều hơn với các thông tin về cung cầu và yếu tố kỹ thuật. Kết thúc phiên hôm qua, GASC của Ai Cập đã bắt đầu tìm mua thêm lúa mỳ, cùng với một số quốc gia khác cũng đang có nhu cầu lớn sau khi Ả rập đã mua 745,000 tấn hôm đầu tuần. Đây được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ lớn giúp giá lúa mỳ hồi phục lại từ vùng hỗ trợ 540 trong tuần này.

Giaodich24