CBOT: Các mặt hàng nông sản phần lớn đều tăng trong phiên đầu tuần

 

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đóng cửa phiên đầu tuần với các mức thay đổi không quá 1%, ngoại trừ mức tăng rất mạnh của dầu đậu tương.

Thị trường trở nên dè dặt hơn rất nhiều sau khi giá các loại nông sản vượt lên trên các ngưỡng kháng cự mạnh, nên dù xuất hiện các thông tin rất tích cực về việc bán hàng thì giá vẫn ngô và đậu tương vẫn chỉ giằng co quanh mức này. Xu hướng này có thể sẽ còn duy trì thêm một vài ngày tới, trước khi có thêm các động mạnh đến giá 2 mặt hàng trên.

Đậu tương đóng cửa chỉ cách 0.25 cent sát dưới ngưỡng kháng cự tâm lý lẫn kỹ thuật 1000, đù đã tăng rất mạnh lên trên mức này trong phiên sáng. Đà tăng kéo dài từ sau báo cáo Cung – cầu trong phiên cuối tuần trước tiếp tục ảnh hưởng đến giá đậu tương ngay khi mở cửa. Tuy nhiên giá quay đầu giảm ngay sau đó, và duy trì áp lực bán đến hết ngày hôm qua. Trong ngày hôm qua, báo cáo Daily Export Sales của USDA cho thấy Trung Quốc tiếp tục mua thêm 129,000 tấn đậu tương Mỹ, cùng với 318,000 tấn cho một quốc gia giấu tên. Đây đáng lẽ sẽ là yếu tố giúp giá tăng tiếp, tuy nhiên do đậu tương đã suy yếu khá nhiều sau khi vượt lên mức 1000, nên thông tin này không có tác động đáng kể nào. Bên cạnh đấy, việc thị trường dự báo chất lượng đậu tương sẽ giữ nguyên trong báo cáo Crop Progress tuần này cũng khiến đậu tương chịu sự giằng co mạnh.

Dầu đậu tương và khô đậu tương tiếp tục diễn biến trái chiều như thường lệ trong những phiên đậu tương không có thay đổi nào đáng kể. Giá dầu đậu tương sau khi vượt lên trên của mô hình tam giác đã tăng rất mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ từ mức tăng của giá dầu cọ. Việc giá dầu đậu tương tăng mạnh tiếp tục tạo sức ép lớn lên giá khô đậu tương. Ở vùng giá hiện tại, khô đậu tương cũng sẽ khó nhận thêm các lực mua từ những quốc gia nhập khẩu chính, vì thế xu hướng chính của khô đậu tương trong thời gian tới có thể sẽ đi vào nhịp điều chỉnh.

Ngô đóng cửa tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp với mức tăng chỉ 1 cent. Kháng cự 370 cho thấy đây vẫn là mức cản rất mạnh. Cũng giống như với đậu tương, bất chấp việc Trung Quốc tiếp tục mua 350,000 tấn ngô và Nhật Bản mua 106,000 tấn trong báo cáo Daily Export Sales ngày hôm qua, thông tin này không có sự hỗ trợ đáng kể nào cho giá ngô trong phiên tối qua. Hiện tại ngô đã bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch tại Mỹ, và thời tiết khô ráo đang lại là yếu tố thúc đẩy việc thu hoạch, làm giảm bớt lo ngại về việc sương giá đến sớm có thể ảnh hưởng thêm đến chất lượng. Do đó, nhiều khả năng giá ngô cũng vẫn chỉ lình xình quanh mức 370 để chờ thêm các thông tin cơ bản trong thời gian tới.

Lúa mỳ đóng cửa phiên đầu tuần đã tăng bù lại được một nửa so với những gì đã mất trong phiên thứ sáu tuần trước. Tác động chủ yếu đến giá lúa mỳ cũng giống hệt như Giaodich24 đã phân tích hôm qua, đó là thông tin chính thức về việc mua hàng từ các quốc gia nhập khẩu chính. Việc Ả rập Xê–út trong tuần trước hỏi mua 715,000 tấn đã giúp giá lúa mỳ tăng mạnh trong phiên hôm đấy, và cũng là động lực chính cho mức tăng của lúa mỳ trong phiên hôm qua sau khi nước này đã chốt đơn hàng lên đến 745,000 tấn. Tốc độ gieo trồng lúa mỳ vụ đông trong tuần vừa rồi cũng bằng với tuần trước đó và đang nhanh hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên thời tiết tại các vùng gieo trồng chính được dự báo sẽ khá khô trong tuần này đang dấy lên lo ngại của thị trường về chất lượng mùa vụ năm nay. Trong tuần trước, Trung tâm dự báo khí hậu quốc gia Hoa Kỳ – CPC tiếp tục nâng dự báo xác suất xảy ra hiện tượng La Nina vào mùa đông năm nay lên 75%, đây sẽ là yếu tố tiềm ẩn tác động đáng kể lên giá lúa mỳ trong thời gian tới.

Giaodich24