CBOT: Thị trường nông sản biến động mạnh và bất ngờ sau báo cáo WASDE 9

Các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT đã biến động rất mạnh sau khi báo cáo Cung – cầu tháng 9 được phát hành. Tồn kho cuối vụ 20/21 của Mỹ giảm đúng như dự đoán của thị trường đã khiến giá các sản phẩm nhóm đậu tương cùng với ngô tăng mạnh, trong khi tồn kho lúa mỳ thế giới bất ngờ tăng đã kéo giá lúa mỳ đi xuống.

Xu hướng giá các mặt hàng hôm qua cũng chính là xu hướng chung của cả tuần, tuy nhiên việc ngô và đậu tương đóng của ngay sát dưới các mức kháng cự quan trọng khiến thị trường sẽ còn phải chờ đến khi mở cửa đầu tuần sau để xác định hướng đi trong thời gian tới.

Đậu tương đã bắt đầu tăng trong đầu phiên tối qua sau khi vượt qua mức kháng cự 980 nhờ các đơn hàng của Trung Quốc và một quốc gia giấu tên trong báo cáo Daily Export Sales. Giá sau đó tiếp tục tăng vọt rất mạnh sau khi các số liệu tồn kho đậu tương của Mỹ niên vụ 20/21 trong báo cáo WASDE 9 còn giảm sâu hơn so với các dự đoán của thị trường. Mặc dù năng suất và sản lượng đậu tương đều cao hơn mức dự đoán trung bình, tuy nhiên các số liệu xuất khẩu và ép dầu của niên vụ cũ đều tăng đã kéo tồn kho đầu kỳ và cuối kỳ niên vụ mới giảm theo. Tuy nhiên lực bán mạnh tại kháng cự tâm lý lẫn kỹ thuật 1000 đã khiến giá đậu tương không vượt qua được vùng này và đóng cửa ngay sát dưới đó. Vì thế, giá đậu tương khi mở cửa trong đầu tuần tới ở trên hay dưới mức này nhiều khả năng sẽ là yếu tố quyết định chính cho việc giá tăng hay giảm trong cả tuần sau.

Khô đậu tương và dầu đậu tương tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi lực kéo của giá đậu tương và diễn biến hoàn toàn giống nhau. Ép dầu đậu tương của Argentina cả niên vụ 19/20 lẫn 20/21 đều bị giảm dự báo đi 1 triệu tấn do nước này đẩy mạnh xuất khẩu đậu tương, khiến cho nguồn cung dầu đậu và khô đậu đều thiếu hụt, cũng là nguyên nhân giúp cho cả 2 mặt hàng trên tăng vọt. Giá dầu đậu tương dù vẫn kẹt trong khoảng 33.00 – 34.00 nhưng đã vượt lên khỏi đoạn cuối của mô hình tam giác, trong khi khô đậu tương đóng cửa ngay dưới mức kháng cự 325. Do đó, trong trường hợp đậu tương không tiếp tục biến động thì xác suất để dầu đậu tương mạnh lên trong tuần tới sẽ cao hơn và tạo áp lực cho giá khô đậu.

Ngô có diễn biến khá bất ngờ vào giai đoạn trước khi đóng cửa với việc tăng vọt đến gần 5 cents. Các số liệu năng suất, sản lượng và tồn kho ngô Mỹ niên vụ tới không gây bất ngờ cho thị trường do các tác động thấy rõ của thời tiết. Thậm chí việc tồn kho ngô Mỹ 20/21 cao hơn dự đoán do nhu cầu ngô đối với sản xuất TĂCN và sản xuất Ethanol dự báo giảm, đã đẩy giá quay ngược trở lại về mức 365 ngay sau thời điểm báo cáo được công bố. Tuy nhiên, tồn kho ngô thế giới cuối vụ 20/21 lại giảm mạnh hơn so với các dự đoán trước đó, cộng thêm dự báo về xuất khẩu ngô Mỹ trong niên vụ tới sẽ tăng thêm 100 triệu giạ, đã kéo giá ngô tăng rất mạnh khi gần về cuối phiên. Các dự báo này được củng cố bởi số liệu bán hàng rất tích cực trong báo cáo Export Sales tuần này, khi mà Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh mua ngô Mỹ với hơn 1 triệu tấn, một điều không thường thấy trong các năm trước. Lũy kế bán hàng ngô vụ mới hiện tại đã đạt xấp xỉ 19 triệu tấn, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lúa mỳ sau khi vượt qua mức kháng cự 550 trong sáng qua đã suy yếu đi rất nhiều và giảm ngược trở lại trong suốt phiên tối. Số liệu từ báo cáo Cung – cầu tháng 9 cho thấy sự tăng vọt của tồn kho lúa mỳ thế giới niên vụ 20/21, trước ngược với cả dự đoán giảm của thị trường, là yếu tố chính khiến giá giảm mạnh ngay sau báo cáo. Nguyên nhân khiến cho tồn kho tăng đột biến đến từ các dự báo sản lượng của Úc, Canada và EU tăng mạnh, với tổng cộng hơn 5 triệu tấn cao hơn so với báo cáo WASDE tháng 8. Thời tiết thuận lợi tại Úc và Canada trong năm nay đã giúp cho mùa vụ phát triển tốt, thúc đẩy việc xuất khẩu mạnh hơn, qua đó sẽ là yếu tốt gây áp lực lớn cho giá lúa mỳ Mỹ trong thời gian tới.

Giaodich24