Sàn giao dịch CBOT quay trở lại sau 3 ngày nghỉ lễ, cùng với một loạt báo cáo quan trọng trong ngày thứ năm tuần trước, nhưng không có biến động mạnh trong phiên đầu tuần này. Sắc đỏ vẫn bao phủ thị trường nhưng có vẻ như giá đã ở các vùng thấp nên lực bán cũng không quá mạnh. Do Mỹ vẫn ở trong kỳ nghỉ lễ phục sinh (sẽ đi làm trở lại từ hôm nay), nên cũng không có nhiều thông tin cơ bản trong ngày hôm qua.

Báo cáo Crop Progress rạng sáng nay của USDA đã bắt đầu đưa ra các số liệu về gieo trồng ngô và lúa mỳ vụ xuân, với tiến độ không có nhiều đột biến so với các năm trước. Đậu tương sẽ gieo trồng muộn hơn, có thể bắt đầu có số liệu gieo trồng vào tuần trước hoặc tuần cuối cùng của tháng 4.

  • Tiến độ gieo trồng ngô Mỹ hiện đã đạt 3%, so với 0% tuần trước, 3% cùng kỳ năm ngoái và 4% trung bình 5 năm qua.
  • Tỉ lệ hình thành cụm đầu trên lúa mỳ (headed) đạt 6%, so với 5% cùng kỳ năm ngoái và 7% trung bình 5 năm qua.
  • Chất lượng lúa mỳ vụ đông trên cả nước trung bình đạt 62% tốt – tuyệt vời, so với mức 62% tuần trước và 60% cùng kỳ năm ngoái.
  • Gieo trồng lúa mỳ vụ xuân trên cả nước đã đạt 5%, so với 2% cùng kỳ năm ngoái và 8% trung bình 5 năm qua.

Đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành đi cùng hướng và đều đóng cửa giảm điểm khá nhiều trong phiên hôm qua. Mặc dù USDA giảm sản lượng đậu tương Brazil và Argentina trong báo cáo WASDE tháng 4, nhưng các mức dự đoán hiện vẫn cao hơn so với của các tổ chức khác. Tồn kho cuối vụ đậu tương Mỹ tăng lên trong báo cáo này cũng là thông tin “bearish” tạo áp lực đối với thị trường. Tại Trung Quốc, mới phát hiện thêm các ổ dịch tả heo châu Phi ở 2 tỉnh của nước này, cho thấy đây vẫn sẽ là chủ đề được quan tâm và ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng TĂCN của Trung Quốc trong thời gian tới. Theo một số nguồn tin thị trường, cả Malaysia và Indonesia đều cho biết sẽ không đạt được các kế hoạch về nhiên liệu sinh học đề ra trước đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặc dù các nhà phân tích không tin tưởng nhiều vào các thông tin đưa ra bởi 2 nước này, nhưng việc giảm nhu cầu sử dụng dầu thực vật trong sản xuất dầu sinh học về mặt lý thuyết cũng tạo ra hiện tượng dư cung đối với các loại hạt lấy dầu, và cũng góp phần vào phiên giảm điểm hôm qua.

Ngô đóng cửa giảm nhẹ, khi thị trường có lực mua nhiều hơn vào phiên tối và đẩy được giá lên sau đó. Giá vẫn giữ được vùng giá hỗ trợ 330, tránh được các tín hiệu “bearish” về mặt kĩ thuật. Báo cáo WASDE tháng 4 của USDA nhìn chung đã có các số liệu “bearish”, đặc biệt là tồn kho cuối vụ Mỹ tăng tới 200 triệu giạ so với báo cáo trước đó. Tuy nhiên, Giaodich24 cho rằng trên thị trường đang có các thông tin “bullish” tiềm ẩn đến từ Nam Mỹ, khi cả phía nam Brazil và Argentina đều đang ở trong tình trạng khô hạn đáng báo động, có thể sẽ làm giảm mạnh sản lượng ngô của các nước này. Theo thời gian, yếu tố này sẽ mạnh dần lên và có thể khiến ngô tăng trở lại vùng 350 trong vài tuần tới.

Lúa mỳ đóng cửa giảm nhẹ trong ngày qua, nhưng lực bán nhiều hơn xuất hiện vào phiên tối. Dù USDA thông báo đã bán 120,000 tấn lúa mỳ Hard Red Winter cho nước giấu tên, nhưng việc tồn kho cuối vụ lúa mỳ Mỹ 2019/20 được tăng trong báo cáo WASDE vẫn là thông tin “bearish” và tạo sức ép lên giá. Lúa mỳ có ít thông tin cơ bản trong ngắn hạn, nên nhiều khả năng giá sẽ ít biến động hơn so với giai đoạn trước

Giaodich24