CBOT: Thị trường tăng mạnh sau 1 phiên giao dịch rất sôi động

 

Các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT đã có một phiên giao dịch rất sôi động và kết thúc bằng mức tăng khá mạnh của hầu hết các mặt hàng, ngoại trừ dầu đậu tương. Đây có thể coi là tác động kéo dài của Báo cáo WASDE tháng 8 của USDA, và hệ quả của dự báo thời tiết mới nhất cho thấy khu vực Midwest sễ khô hơn trong nửa cuối tháng 8 này.

Đậu tương đóng cửa với mức tăng mạnh gần 2% và đã lên đến đúng vùng kháng cự 900 như Giaodich24 đã dự đoán hôm qua. Giá đậu tương trong phiên sáng vẫn tăng nhẹ nhờ dư âm từ báo cáo WASDE hôm trước. Tuy nhiên đến phiên tối, các số liệu rất tích cực trong báo cáo Export Sales tuần này đã khiến giá tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên Mỹ. Cụ thể, bán hàng vụ 19/20 tiếp tục tăng 65% so với tuần trước lên mức 570,100 tấn trong khi bán hàng vụ mới tăng gấp đôi lên gần 3 triệu tấn. Thêm vào đó, Trung Quốc tiếp tục mua thêm 197,000 tấn đậu tương Mỹ trong báo cáo Daily Export Sales, là ngày mua hàng thứ 7 liên tiếp. Tất cả các thông tin đó khiến lực mua áp đảo trong suốt phiên để thúc đẩy giá đậu tương và có lúc đã vượt lên mức kháng cự 900. Tuy nhiên giá sau khi vượt qua mức này đã suy yếu khá nhiều và bị dội lại, để đóng cửa ở mức 899 cents/giạ. Do đó, Giaodich24 tiếp tục cho rằng giá sẽ khó có thể vượt hẳn lên vùng này trong vòng 1, 2 phiên tới.

Khô đậu tương và dầu đậu tương tiếp tục diễn biến trái chiều những đã đảo vai cho nhau trong phiên hôm qua, so với giai đoạn trước đó. Giá dầu đậu tương do ảnh hưởng bởi mức giảm chung của thị trường dầu thô và dầu thực vật, cùng với lực bán mạnh từ vùng kháng cự 32.00, khiến giá đã giảm hơn 1% khi kết thúc phiên. Trái lại, nhờ mức tăng rất mạnh của đậu tương trong phiên tối cùng với giá dầu đậu suy yếu đã giúp cho khô đậu tương tăng vọt 3% để tiến sát đến vùng 300. Đây tiếp tục cũng là 1 ngưỡng kháng cự cả tâm lý lẫn kỹ thuật rất quan trọng của khô đậu tương, khiến xác suất cao là giá sẽ điều chỉnh trở lại.

Ngô kết thúc phiên hôm qua với mức tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản với mức tăng 3.5%. Mặc dù báo cáo Export Sales cho thấy số liệu bán hàng niên vụ hiện tại đã cải thiện so với tuần trước, nhưng con số này thấp hơn mức trung bình mỗi tuần mà Mỹ cần bán trong tháng này để đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra của năm nay. Tuy nhiên số liệu công bố từ một cơ quan của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ là FSA cho thấy, diện tích gieo trồng năm nay có thể giảm thêm hơn 10% so với con số mà USDA đưa ra hồi cuối tháng 6. Cùng với thiệt hại chưa được thống kê sau cơn bão Derecho quét qua trung tâm Midwest đầu tuần này và thời tiết dự báo sẽ ít mưa trong 2 tuần tới tại đây đã khiến giá ngô tăng rất mạnh trong suốt phiên tối qua. Giá chỉ bị cản lại đến khi gặp ngưỡng kháng cự cứng 340, và nhiều khả năng vẫn chưa vượt được vùng này trong hôm nay.

Lúa mỳ đóng cửa tăng hơn 1% trong phiên hôm qua nhờ việc hãng tư vấn Strategie Grains hạ dự báo sản lượng lúa mỳ của liên minh châu Âu xuống thêm gần 2 triệu tấn, xuống mức 128.0 so với 130.3 triệu tấn trong báo cáo trước đó. GASC của Ai Cập tiếp tục mua thêm 415,000 tấn lúa mỳ Nga trong phiên đấu giá kết thúc ngày hôm qua, ngay sau khi vừa mua 120,000 tấn hôm thứ 3 vừa rồi, cho thấy các buyers lớn đang khá hài lòng với vùng giá hiện tại và sẽ tích vực mua vào từ thời điểm này. Do đó, giá lúa mỳ có thể nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, kháng cự vùng 500 vẫn đang là kháng cự tâm lý mạnh và cần phải vượt lên trên mức này để lúa mỳ có thể tăng nhiều hơn.

Giaodich24