CBOT: Sắc đỏ phủ kín các mặt hàng sau gapdown lớn đầu tuần

Sắc đỏ phủ kín sàn giao dịch CBOT trong phiên hôm qua với các gapdown lớn đầu tuần và lực bán áp đảo trong cả ngày giao dịch. Các hãng tin lớn đang tỏ ra khá “bối rối” sau phiên giảm hôm qua, khi các lý do đưa ra không thực sự hợp lý, đặc biệt là đối với mức giảm của ngô. Có rất nhiều điều cần phải bàn sâu về xu hướng giảm lần này, bởi giá đã về tới gần vùng đáy trước các báo cáo ngày 30/06 của USDA, dù thị trường không có nhiều thông tin “bearish” mạnh trong tuần qua. Tâm lý chốt lời nếu có cũng sẽ chỉ khiến giá điều chỉnh khoảng 50% xu hướng tăng, chứ khó có thể đẩy giá về lại vùng giá ban đầu trước báo cáo như hiện nay.

Trong ngày hôm qua, Hải quan Việt Nam báo cáo nhập khẩu ngô trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 4.43 triệu tấn, giảm 3.0% so với mức 4.57 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu lúa mỳ trong nửa đầu năm đạt 1.82 triệu tấn, tăng 5.05% so với 1.21 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Đậu tương đóng cửa với mức giảm gần 2% trong ngày hôm qua, là mặt hàng giảm “hợp lý” nhất trong thời gian gần đây. Như các phân tích trước đó của Giaodich24, các báo cáo ngày 30/06 không phải là thông tin “bullish” mạnh đối với đậu tương, nên xu hướng tăng sau báo cáo có phần thái quá và việc giá giảm về vùng giá trước báo cáo là điều có thể hiểu được. Trong báo cáo WASDE tháng 7, USDA tăng tồn kho cuối vụ đậu tương Mỹ, tăng sản lượng đậu tương Brazil 2019/20 thêm 2 triệu tấn, cũng đều là thông tin “bearish” nên giá giảm thêm đầu tuần này là điều không quá bất ngờ. Ngoài ra, thị trường còn chịu thêm tác động “bearish” từ 3 thông tin khác, đó là việc Tổng thống Donald Trump hiện chưa quan tâm đến thỏa thuận giai đoạn hai với Trung Quốc; những cơn mưa tốt hơn ở Mỹ tạm thời giải tỏa tình trạng khô hạn đối với mùa vụ đậu tương Mỹ; và dịch tả heo đang bị lo ngại sẽ bùng phát trở lại ở Trung Quốc sau lũ lụt trong bối cảnh giá thịt lợn đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Trong báo cáo Crop Progress rạng sáng nay, chất lượng đậu tương bị giảm 3% tốt – tuyệt vời so với tuần trước, có thể sẽ là thông tin “bullish” và khiến giá đảo chiều tăng trở lại.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1594685671-5371.png 

Khô đậu tương là mặt hàng giảm mạnh nhất trên sàn CBOT trong ngày hôm qua với mức giảm gần 3%, trong khi dầu đậu tương vẫn có mức độ mạnh – yếu trái chiều với khô đậu tương, và giảm ít hơn. Khô đậu tương đã giảm tới 15 USD chỉ sau 2 phiên, và đã về sát vùng hỗ trợ 288 – 290 trên biểu đồ kĩ thuật của tháng 12. Rõ ràng các phiên sập liên tiếp này khá bất ngờ và bị tác động bởi thông tin tồn kho khô đậu tương của Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong vòng 18 tháng. Lực mua hàng của Việt Nam, quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới vẫn rất yếu do giá basis vẫn ở mức cao, là nguyên nhân khiến sàn CBOT thiếu đi rất nhiều lực mua hàng thật và không thể duy trì giá ở trên mức 300 được lâu.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1594685671-5927.png

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1594685671-597.png

Ngô đóng cửa giảm hơn 2% trong ngày hôm qua, nhưng mức giảm chủ yếu đến từ gapdown lớn đầu tuần. Giá trong phiên chỉ dao động với khoảng 5 cents và không có nhiều biến động. Ngô bị tác động “bearish” chủ yếu từ thời tiết tốt hơn tại các vùng sản xuất lớn của Mỹ, nhưng tốt hơn ở đây chỉ là so với giai đoạn hạn hán trước đó. Theo đánh giá của Giaodich24, lượng mưa vẫn chưa đủ và chưa thể coi là thuận lợi đối với mùa vụ ngô Mỹ, nên động thái giảm này chỉ đơn giản là đến sau khi ngô không vượt qua được kháng cự tâm lý và cũng là kỹ thuật 350, nên giá bị đẩy xuống theo khoảng giao dịch lớn 320 – 350. Đây là điều rất bình thường khi giá đã hình thành khoảng giao dịch cứng và không vượt được các mức giá quan trọng. Trong báo cáo Crop Progress tuần này, chất lượng ngô Mỹ tiếp tục giảm thêm 2% tốt – tuyệt vời so với tuần trước, đúng như các nhận định trước đó của giới phân tích. Đây có thể sẽ là thông tin hỗ trợ giá ngô đi lên trong ngày hôm nay.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1594685671-6471.png

Lúa mỳ đóng cửa giảm hơn 1% trong ngày hôm qua với mức giảm của các tháng xa ít hơn khá nhiều so với các tháng gần. Thị trường có gapdown lớn đầu tuần, nhưng đã có thời điểm giá tăng trở lại vào đầu phiên tối, sau khi IKAR tiếp tục giảm thêm dự báo sản lượng lúa mỳ của Nga trong báo cáo tuần này. Tại Canada, mưa bão kèm theo mưa đá cũng đang gây thiệt hại lớn đối với các mùa vụ ngũ cốc. Lo ngại về giảm sản lượng đã khiến lúa mỳ gần fill được gapdown trước đó, nhưng giá bị giảm vào phiên tối do tác động chung của sàn CBOT. Trong báo cáo Crop Progress rạng sáng nay, chất lượng lúa mỳ vụ xuân bị giảm 2% so với tuần trước, trong khi tiến độ thu hoạch vụ đông đang diễn ra khá nhanh. Giaodich24 cho rằng tác động từ chất lượng giảm vụ xuân sẽ mạnh hơn và sẽ là thông tin hỗ trợ giá lúa mỳ hồi phục trở lại trong ngày hôm nay. Giá sẽ ở trong các khoảng giao dịch đã định hình trước đó và sẽ có ít biến động hơn trong 1 – 2 phiên tiếp theo.

http://gonews.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/pp-1594685671-594.png

 

Giaodich24