Giá các loại ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT không có nhiều biến động mạnh trong ngày hôm qua, dù báo cáo WASDE tháng 5 của USDA và cả báo cáo của CONAB – Brazil đều có nhiều số liệu đáng chú ý. Do giá đang ở vùng thấp trên các biểu đồ trung – dài hạn, nên các thông tin “bearish” không thể khiến giá giảm sâu hơn; trong khi thị trường chưa có các thông tin “bullish” đủ mạnh để có thể bật tăng trở lại. Đây chính là nguyên nhân của xu hướng giao dịch giằng co và lình xình trên thị trường nông sản trong thời gian qua. Kịch bản này sẽ chỉ bị phá vỡ trong trường hợp Mỹ - Trung có đột biến trong quan hệ thương mại (theo cả chiều hướng tích cực hơn và tiêu cực hơn), hoặc mùa vụ Mỹ gặp thời tiết hạn hán trong tháng 5 – 6 và ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất (khiến giá tăng).

Hôm qua Trung Quốc đã công bố danh sách mới về các loại hàng hóa được miễn thuế đối với Mỹ, nhưng đồng thời nổ phát súng đầu tiên, có thể gây ra chiến tranh thương mại với Úc. Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thịt bò Úc và đang xem xét mức thuế nhập khẩu đối với lúa mạch ở trên mức 70%.

Đậu tương và dầu đậu nành đóng cửa giảm nhẹ trong ngày hôm qua, còn khô đậu trái chiều và đóng cửa tăng điểm. Trong báo cáo Cung – cầu tháng 5, USDA bất ngờ tăng dự báo tồn kho cuối vụ Mỹ 2019/20 thêm 100 triệu giạ, lên mức 580 triệu giạ, là nguyên nhân chính khiến giá tăng điểm. Mức tồn kho vượt ra ngoài các dự đoán của Reuters trước đó, là xuất khẩu bị giảm dự báo đi 100 triệu giạ khi tiến độ mua hàng từ Trung Quốc gây ra nhiều thất vọng. Tuy mức tồn kho này cao, nhưng cũng không quá đột biến trong lịch sử, và tồn kho 2020/21 dự báo sẽ quay về mức 405 triệu giạ, nên nhìn chung số liệu này chỉ tạo được tác động “bearish” trong thời gian ngắn sau báo cáo.

Đối với các số liệu thế giới, sản lượng đậu tương của Brazil và Argentina bị giảm dự báo đi lần lượt 0.5 và 1.0 triệu tấn, là các thông itn “bullish” đối trọng lại và khiến giá tăng điểm sau đó. Trước khi USDA phát hành báo cáo WASDE tháng 5, CONAB cũng giảm sản lượng đậu tương của Brazil, và là thông tin có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường trong vài phiên tới.

Ngô đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua, nhờ các số liệu trong báo cáo WASDE của USDA. Tồn kho cuối vụ ngô Mỹ 2019/20 chỉ tăng nhẹ lên mức 2.098 tỉ giạ, thấp hơn rất nhiều so với các dự đoán trước đó. Mặc dù tồn kho ngô 2020/21 dự báo sẽ tăng mạnh lên trên 3.3 tỉ giạ và là mức cao nhất kể từ năm 1987 tới nay, nhưng thị trường vẫn đang tập trung nhiều hơn vào số liệu tồn kho niên vụ này. Điều đặc biệt trong báo cáo tháng 5 là việc USDA tăng dự báo xuất khẩu ngô Mỹ, trong khi tiến độ xuất khẩu từ đầu niên vụ tới nay rất chậm. Chính vì điều này, nên đang có một số nhận định rằng USDA muốn “chi phối” thị trường và hỗ trợ giá để nông dân Mỹ có thể bán được hàng với giá tốt hơn trong thời gian tới. Còn về số liệu thế giới, cả Brazil và Argentina đều được giữ nguyên sản lượng, và các mùa vụ lớn khác cũng không có gì đáng chú ý. Tại Brazil, CONAB tăng dự báo sản lượng ngô vụ 2 của Brazil dù thời tiết không thuận lợi, là thông tin hạn chế mức tăng của ngô trong tối qua.

Lúa mỳ đóng cửa giảm nhẹ trong ngày hôm qua, nhưng xu hướng tăng chiếm ưu thế hơn vào cuối phiên. Trong báo cáo tháng 5 vừa phát hành, USDA chỉ tăng nhẹ tồn kho cuối vụ Mỹ từ 970 lên 978 triệu giạ, nhưng tồn kho vụ mới 2020/21 dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn 909 triệu giạ. Điều đáng chú ý là sản lượng lúa mỳ của Khối liên minh châu Âu bị giảm tới gần 12 triệu tấn trong niên vun 2020/21, cho thấy thời tiết hạn hán ở Pháp và Đức thực sự đã gây ra rất nhiều thiệt hại đối với năng suất mùa vụ năm nay. Đây có thể sẽ là thông tin “bullish” mạnh hơn trong thời gian tới, nếu có sự kết hợp của thời tiết thiếu mưa tại bang North Dakota, là bang có sản lượng lúa mỳ vụ xuân lớn nhất của Mỹ.

Giaodich24