CBOT: Ngô và đậu tương tiếp tục tăng mạnh sau báo cáo của USDA

Báo cáo Cung – cầu tháng 8 của USDA đã khiến giá các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT rung lắc rất mạnh ngay sau thời điểm công bố. Tuy nhiên khi kết thúc phiên, ngoại trừ mức tăng rất mạnh của dầu đậu tương, thì các mặt hàng còn lại đều chỉ thay đổi khoảng 1%.

Trong báo cáo của Hải quan Việt Nam, nhập khẩu ngô về nước ta trong tháng 7 đạt 1.44 triệu tấn, so với 1.16 triệu tấn đã nhập khẩu trong tháng 6 và 762,213 tấn đã nhập khẩu trong tháng 7 năm 2019. Điều này phản ánh được lượng pricing khá lớn trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5 năm nay. Với việc giá flat ở mức cao, dự kiến lượng hàng về Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 11 trở đi sẽ không nhiều, có thể ảnh hưởng tới số liệu nhập khẩu ngô trong cả năm 2020.

Đậu tương đóng cửa tăng hơn 1% trong ngày hôm qua vượt qua ngưỡng kháng cự 880. Giống như Giaodich24 đã dự đoán, nhu cầu xuất khẩu gia tăng mạnh trong thời gian gần đây đã khiến Bộ Nông nghiệp điều chỉnh giảm số liệu tồn kho cuối vụ 2019/20 của đậu tương. Qua đó giúp giá đậu tương nhận được sự hỗ trợ mạnh. Mặc dù sản lượng cũng như năng suất của đậu tương niên vụ tới đều tăng cao hơn mức dự đoán trung bình của thị trường, nhưng đây không phải là điều gì quá bất ngờ, khi mà thời tiết trong suốt giai đoạn cuối tháng 7 đều có tác động tích cực đến các khu vực gieo trồng đậu tương và giá cũng đã phản ứng với thông tin trên vào cuối tuần trước. Chất lượng đậu tương liên tục tăng trong báo cáo Crop Progress vốn đã phản ánh thông tin này, nên thị trường có vẻ như không hề bất ngờ và các dự đoán đã được phản ánh vào giá trước đó. Hơn nữa, tồn kho đậu tương thế giới cũng giảm mạnh gần 4 triệu tấn, từ 99.67 xuống còn 95.85 trong báo cáo tháng này, thấp hơn nhiều so với mức dự doán 99.08, đã khiến giá đậu tương duy trì lực mua áp đảo suốt cuối phiên hôm qua cho đến sáng nay.

Khô đậu tương và dầu đậu tương dù đều tăng nhưng vẫn giữ xu hướng trái chiều nhau. Giá dầu đậu tương đã tăng suốt trong cả ngày hôm qua, nhờ đà tăng của giá dầu thô thế giới sau thông tin tồn kho Dầu thô Mỹ giảm mạnh trong báo cáo của Viện dầu khí Hoa Kỳ (API). Kết hợp cùng với mức tăng mạnh hơn 2% của giá dầu cọ do sản lượng sụt giảm tại Indonesia trong nửa đầu năm nay, đã khiến giá dầu đậu tương tăng rất mạnh 3.41%. Chính vì giá dầu đậu tương tăng mạnh đã tạo sức ép khiến giá khô đậu tương quay đầu giảm lại vào cuối phiên, và đóng cửa chỉ với mức tăng rất nhẹ 0.1%. Nhưng sáng nay, khô đậu tương đang tiếp tục tăng thêm và sẽ quay trở lại khoảng giao dịch 290 – 300.

Ngô kết thúc phiên hôm qua với mức tăng hơn 1% giống như đậu tương. 2 mặt hàng này đang có diễn biến khá tương đồng, khi mà giá ngô cũng đã giảm mạnh trong cuối tuần trước do dự báo của thị trường về năng suất và sản lượng ngô Mỹ sẽ tăng trong báo cáo WASDE. Tuy nhiên, mức tồn kho cuối vụ 2019/20 bất ngờ diễn biến trái chiều với dự đoán đã khiến giá ngô tăng rất mạnh, và đã vượt qua cả ngưỡng kháng cự mạnh 330 trong sáng nay. Mức giảm tồn kho này chủ yếu đến từ việc xuất khẩu được điều chỉnh tăng trong cả niên vụ này lẫn niên vụ tới, ảnh hưởng bởi Trung Quốc đã đẩy mạnh tốc độ mua hàng trong suốt thời gian vừa rồi nhằm đảm bảo cam kết đã thỏa thuận. Cơn bão Derecho quét qua khu vực trung tâm Midwest đầu tuần này cũng ảnh hưởng nhiều nhất đến diện tích gieo trồng của ngô, và các thiệt hại vẫn đang trong quá trình tính toán và có thể phản ánh trong các báo cáo sau, có thể khiến giá ngô tiếp tục mạnh lên trong thời gian tới.

Lúa mỳ là mặt hàng duy nhất giảm trong ngày hôm qua, với mức giảm chưa đến 1%. Mặc dù sản lượng lúa mỳ vụ đông giảm đáng kể so với báo cáo trước và mức dự đoán của thị trường nhưng được bù lại bằng mức tăng mạnh của lúa mỳ vụ xuân. Điều này đã giúp cho tổng sản lượng lúa mỳ của Mỹ năm nay tăng lên, qua đó tạo áp lực lên giá ngay sau thời điểm báo cáo công bố. Đặc biệt, tồn kho lúa mỳ thế giới niên vụ 2019/20 còn cao vượt quá cả khoảng dự báo của thị trường, do xuất khẩu bị điều chỉnh giảm tại Nga, Ukraina và Úc, cũng khiến giá lúa mỳ duy trì lực bán đến cuối phiên. Còn đối với mùa vụ 2020/21, sản lượng tăng ở Nga và Ukraina chỉ đạt 3 triệu tấn, trong khi riêng EU đã bị giảm sản lượng đi 4 triệu tấn so với báo cáo trước. Vì thế, Giaodich24 cho rằng lúa mỳ có thể sẽ có nhiều lực mua hơn sau thông tin “bullish” này.

 

Giaodich24