CBOT: Lúa mỳ vẫn tiếp tục giảm về sát vùng hỗ trợ kỹ thuật 500

Các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT tiếp tục có một phiên giao dịch ít biến động, ngoại trừ mức giảm rất mạnh của giá lúa mỳ.

Đậu tương đóng cửa chỉ giảm 0.75 cent trong ngày hôm qua, mặc dù giá đã tăng mạnh vào cuối phiên sáng nhờ các số liệu tích cực từ báo cái Export Sale của USDA. Bán hàng đậu tương tuần này tăng 34% lên 345,200 tấn, cùng với 1.4 triệu tấn đậu tương niên vụ mới cho Trung Quốc đã hỗ trợ giá đậu tương tăng vọt ngay sau thời điểm phát hành báo cáo, trong 1 ngày không có nhiều thông tin cơ bản. Tuy nhiên khi mở cửa phiên tối, giá giảm mạnh trở lại rồi giao dịch lình xình đến cuối phiên, dù USDA đã bán thêm 126,000 tấn đậu tương cho Trung Quốc trong hôm qua. Như Giaodich24 đã phân tích từ trước, việc Trung Quốc mua hàng tại thời điểm này là điều dĩ nhiên, thậm chí việc mua hàng còn phải đẩy mạnh hơn nữa để có thể đạt được mức cam kết đã thỏa thuận. Vì thế, giá đậu tương sẽ chịu áp lực lớn chủ yếu từ việc nguồn cung được dự báo tăng tại các quốc gia Nam Mỹ trong niên vụ tới.

Khô đậu tương và dầu đậu tương vẫn tiếp tục diễn biến trái chiều nhau trong phiên hôm qua như thường lệ từ đầu năm đến nay. Giá dầu cọ trên sàn Bursa tăng sau khi thị trường dự báo tồn kho dầu cọ tại Malaysia tháng 7 sẽ giảm mạnh, cộng thêm việc sản lượng cũng giảm trong thời gian tới do thiếu hụt lao động tại Indonesia và Malaysia, đã hỗ trợ giá dầu đậu tương tăng 0.48%.

Giá ngô kỳ hạn tháng 12 có phiên giao động với biên độ rất thấp và đóng cửa với mức tăng chỉ 0.5 cent. Giống như đậu tương, thị trường ngô không có quá nhiều thông tin cơ bản tác động đến giá trong ngày hôm qua. Tiến độ bán hàng vụ tới của Mỹ đang rất tốt, nhờ nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc cùng việc nước này phải đẩy mạnh mua hàng để đảm bảo cam kết. Tuy nhiên sản lượng dự báo ở mức kỷ lục tạo áp lực cản lại, khiến giá chưa có xu hướng nào đáng chú ý tại thời điểm này.

Lúa mỳ là mặt hàng biến động mặt nhất trong nhóm nông sản trên sàn CBOT trong phiên hôm qua, với mức giảm gần 2%, về sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý 500. Giá lúa mỳ đang có xu hướng “bearish” mạnh trong ngắn hạn do sản lượng được cải thiện tại các quốc gia ở Biển Đen trong những báo cáo gần đây. Cộng thêm thời tiết đang rất thuận lợi tại Úc trong giai đoạn phát triển quan trọng của mùa vụ lúa mỳ, giúp cho sản lượng của nước này chắc chắn sẽ tăng mạnh trở lại sau 3 năm liền hạn hán. Đây là các nguyên nhân chủ yếu khiến giá lúa mỳ Mỹ bị ảnh hưởng và giảm mạnh trong tuần này.

Giaodich24