CBOT: Thị trường biến động trái chiều với mức thay đổi nhỏ

Các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua với mức thay đổi chỉ dưới 1%. Đậu tương và khô đậu tương tiếp tục có diễn biến cùng chiều với nhau và giảm nhẹ trước áp lực nguồn cung gia tăng của niên vụ tới. Trong khi đó, ngô và lúa mỳ có sự phục hồi sau khi đã giảm rất mạnh trong phiên trước đó.

Đậu tương đóng cửa giảm nhẹ 3 cent, tương đương 0.34 để đóng cửa ngay dưới ngưỡng hỗ trợ quan trọng 880. Bất chất việc giá đã tăng trong phiên sáng nhờ lực mua kỹ thuật, cùng với đơn hàng 192,000 tấn đậu tương bán cho Trung Quốc trong báo cáo Daily Export Sale của USDA, giá đậu tương đã rơi mạnh ngay khi mở cửa phiên tối. Việc Trung Quốc mua hàng tại thời điểm này là điều đương nhiên nên không có ý nghĩa trong phiên hôm qua, vì nguồn cung đậu tương hiện tại của các nước Nam Mỹ đang rất eo hẹp, trong khi Trung Quốc cần phải đẩy nhanh tiến độ mua hàng hơn nữa để đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký với Mỹ hồi đầu năm. Vì thế, thị trường phản ứng chủ yếu với các thông tin về dự đoán sản lượng niên vụ tới tại Brazil của các hãng tin lớn. AgroConsult dự báo diện tích gieo trồng đậu tương Brazil sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu héc-ta trong năm nay, điều này hoàn toàn có cơ sở do nông dân vừa trải qua một niên vụ có lãi lớn nhờ đồng Real sụt giảm. Nếu thời tiết được cải thiện trong nửa cuối tháng 8 tại Brazil thì chắc chắn giá đậu tương sẽ chịu sức ép lớn vào cuối năm nay.

Khô đậu tương và dầu đậu tương tiếp tục có diễn biến trái chiều nhau trong phiên hôm qua, khi mà giá đậu tương biến động nhẹ. Giá dầu thô tăng trong phiên hôm qua sau khi có thông tin về tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm mạnh, đã hỗ trợ tích cực liên giá dầu đậu tương trong nửa cuối phiên tối, khiến mặt hàng này đảo chiều tăng nhẹ 0.26%. Giá dầu đậu tương mạnh lên cùng với giá đậu tương yếu đi đã khiến khô đậu tương chịu sức ép lớn và giảm 0.41% khi đóng cửa, dù đã tăng khá mạnh trong phiên sáng.

Giá ngô kỳ hạn tháng 12 sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 đến nay, đã kích hoạt một loạt lệnh mua từ các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đến từ Hàn Quốc với gần 200,000 tấn. Việc Hàn Quốc bắt đầu mua hàng thường sẽ kéo theo các nước nhập khẩu lớn khác tại châu Á như Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam, qua đó có thể giúp giá ngô tiếp tục mạnh lên trong thời gian tới. Thời tiết tại khu vực Trung Tây Mỹ cũng được đánh giá là không thuận lợi trong tuần này, cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ ngô và đậu tương đang diễn ra tại đây.

Lúa mỳ cũng tăng nhẹ trở lại sau khi giảm về gần mức hỗ trợ 500. Năng suất lúa mỳ của Nga trong tuần vừa rồi tiếp tục tăng 3% lên mức 3.67 tấn/théc-ta và là tuần tăng thứ 3 liên tiếp, cộng thêm việc tốc độ thu hoạch đang được đẩy nhanh nhờ thời tiết khô ráo khiến giá lúa mỳ giảm rất mạnh khi bắt đầu phiên tối. Tuy nhiên, GASC của Ai Cập bắt đầu mua hàng trở lại sau khi giá lúa mỳ giảm mạnh 2 phiên liên tiếp đầu tuần này cùng với dự báo sản lượng tại Pháp tiếp tục giảm trong báo cáo mới nhất của Bộ nông nghiệp nước này là các thông tin hỗ trợ giúp giá bật tăng vào cuối phiên.

Giaodich24