CBOT: Đậu tương có phiên tăng thứ 8 liên tiếp lên mức cao nhất từ giữa tháng 1

 

Thị trường nông sản có diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua với các mức thay đổi không quá lớn. Đáng chú ý nhất là mức tăng mạnh gần 2% của dầu đậu tương, cùng với phiên tăng thứ 8 liên tiếp của đậu tương.

Đậu tương đóng cửa tăng 0.76% lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng rưỡi qua, sau một chuỗi phiên tăng từ đầu tuần trước đến nay. Dự báo thời tiết trong 6 – 10 ngày tới tại Midwest cho thấy độ ẩm có thể được gia tăng cùng với nhiệt độ mát mẻ hơn, sẽ làm chậm lại quá trình chín hạt và giúp năng suất được cải thiện phần nào. Đây là lý do khiến giá giảm trong suốt phiên sáng. Tuy nhiên số liệu ép dầu tháng 7 của Mỹ cho thấy, nhu cầu sử dụng đậu tương vẫn đang liên tục gia tăng, với gần 5% cao hơn tháng 6 và 10% cao hơn tháng 7 năm ngoái, đã giúp giá tăng trở lại vào phiên tối. Thị trường xuất hiện tin đồn về việc Trung Quốc sẽ mua ít nhất 8 tàu đậu tương Mỹ, thông tin này nhiều khả năng sẽ được xác nhận trong báo cáo Daily Export Sales tối nay, nhưng giá đã ngay lập tức phản ứng với thông tín này, giúp cho lực mua áp đảo trong phiên tối qua.  Ngưỡng hỗ trợ 950 cũng cho thấy đây là một mức rất mạnh, khi giá liên tiếp hồi lại từ vùng này trong 3 ngày liên tiếp, là dấu hiệu quan trọng để đậu tương xác lập xu hướng trong thời gian tới.

Tồn kho dầu đậu tương của Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 7, thấp hơn 6.5% so với tháng 6, cùng với giá dầu cọ tăng mạnh là nguyên nhân chính hỗ trợ giá dầu đậu tương tăng rất mạnh trong ngày hôm qua. Trong khi đó, việc đậu tương tăng mạnh phiên tối qua đã kéo theo giá khô đậu tăng trở lại, sau khi đã giảm khá sâu xuống dưới hỗ trợ 310 trong phiên sáng.

Ngô đóng cửa gần như không đổi trong phiên hôm qua với mức tăng của phiên tối bù đắp hoàn toàn cho mức giảm trong phiên sáng. Lực bán áp đảo phiên sáng chủ yếu do điều kiện thời tiết có phần được cải thiện tại Midwest trong vài ngày tới. Các nhà phân tích và thương nhân Trung Quốc cho biết, giá ngô nội địa nước này đang tăng cao do lo ngại về an ninh lương thực. Năm nay có thể là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc phải đối mặt với một niên vụ thâm hụt sản lượng ngô lên đến 30 triệu tấn, cao hơn khoảng 10% so với tổng sản lượng của nước này. Đây sẽ là thông tin hỗ trợ rất lớn cho giá ngô CBOT trong gian tớt, khi mà nhu cầu ngô đối với sản xuất ethanol vẫn đang ở mức yếu.

Lúa mỳ giảm 1% trong phiên hôm qua do tâm lý chốt lời của nhà đầu tư sau khi giá đã tăng rất mạnh thời gian gần đây, cùng với việc không có thêm bất kỳ đơn hàng nào được xác nhận từ USDA đối với tin đồn rằng Trung Quốc sẽ mua thêm lúa mỳ Mỹ. Bộ Nông nghiệp Nga giữ nguyên dự báo sản lượng lúa mỳ niên vụ tới ở mức 75 triệu tấn. Trong khi đó, Hiệp hội ngũ cốc Ukraina – UGA cũng đưa ra dự báo sản lượng lúa mỳ 2020 của Ukraina ở mức 26.6 triệu tấn, so với mức 26.5 trong báo cáo Cung – cầu thế giới tháng 8 của USDA. Các thông tin trên không có tác động đáng kể nào đến thị trường, khiến giá lúa mỳ giao dịch lình xình trong suốt phiên tối qua.

 

Giaodich24