CBOT: Các mặt hàng nông sản có biến động mạnh ngay trong phiên đầu tuần

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT có diễn biến rất bất ngờ trong ngày đầu tuần, khi mà giá đã tăng rất mạnh trong phiên sáng sau đó giảm ngược trở lại vào phiên tối.

Đậu tương đóng cửa với mức tăng chỉ 3 cents, mặc dù đã có gapup và tăng rất mạnh ngay khi mở cửa phiên sáng. Lượng mưa tại Midwest cuối tuần vừa rồi thấp hơn các dự báo tiếp tục dấy lên lo ngại về năng suất mùa vụ năm nay của đậu tương, cộng thêm kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc mua hàng đã giúp cho lực mua áp đảo cho đến tận trước phiên tối. Tuy nhiên, không có đơn hàng đậu tương nào được xác nhận trong ngày hôm qua, cùng với lượng mưa được cải thiện hơn trong 2 ngày đầu tuần tại các vùng gieo trồng phía nam đã khiến giá giảm rất mạnh sau khi bắt đầu phiên tối.  Đà bán ra còn được cộng hưởng với tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư sau khi giá đã tăng suốt cả 5 phiên tuần trước và số liệu giao hàng giảm trong báo cáo Export Inspections, đã đẩy giá đậu tương về sát vùng hỗ trợ 950. Việc vẫn giữ được trên mốc này đến hết phiên vẫn sẽ là một dấu hiệu tích cực đối giá đậu tương, đặc biệt là khi báo cáo Crop Progress sáng nay cho thấy chất lượng tốt – tuyệt vời của mùa vụ đậu tương tiếp tục giảm đi 3%. Hãng tư vấn StoneX cũng vừa giảm dự báo sản lượng niên vụ 20/21 của Mỹ về mức 4.39 tỷ giạ, so với 4.50 tỷ giạ trong dự đoán trước đó, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn trong suốt thời gian vừa rồi.

Dầu đậu tương là mặt hàng có mức thay đổi mạnh nhất trong ngày hôm qua với mức giảm hơn 1%, sau khi giá đã lên đến mức kháng cự mạnh 34.0 trong phiên sáng. Tuy nhiên, việc giá dầu thô thế giới cùng với đậu tương đều suy yếu trong phiên tối đã khiến lực bán ảo đảo lên dầu đậu tương và đẩy giá về lại sát mức hỗ trợ 33.0. Việc dầu đậu tương yếu đi trong khi đậu tương không có biến động mạnh đã giúp cho khô đậu tương có được phiên tăng thứ 3 liên tiếp nhờ diễn biến trái chiều với dầu đậu, kết hợp cùng lực mua lớn khi giá khô đậu bị đẩy về sát vùng hỗ trợ 310.

Ngô đóng cửa giảm nhẹ trở lại trong ngày hôm qua, tuy nhiên các khoảng giao động trong phiên là tương đối lớn. Các thông tin về thời tiết và mùa vụ tác động đến thị trường ngô và đậu tương là tương đối giống nhau tại thời điểm này, vì thế giá ngô cũng đã tăng khá mạnh trong phiên sáng. Tuy nhiên, thời tiết tại các vùng trung tâm Midwest được cải thiện đáng kể trong đầu tuần này đã tạo áp lực lớn lên giá ngô, bất chấp việc Trung Quốc đã đặt mua thêm 596,000 tấn ngô của Mỹ. Sáng sớm nay, StoneX cũng giảm dự báo sản lượng ngô về mức 15.08 tỷ giạ, so với 15.32 tỷ giạ trong dự đoán trước đó, cùng với chất lượng tốt – tuyệt vời của ngô giảm tiếp 2% trong báo cáo Crop Progress của USDA,  ít hơn so với mức giảm 3% trong dự đoán trước đó của thị trường.

Lúa mỳ đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần với mức tăng nhẹ 3.5 cents. Cũng giống như diễn biến của các mặt hàng khác, giá lúa mỳ CBOT tăng khá mạnh trong phiên sáng lên đến mức kháng cự 560 do tác động từ giá xuất khẩu của Nga và Ukraina tại khu vực biển Đen đều tăng mạnh trong cuối tuần vừa rồi nhờ nhu cầu lớn từ các quốc gia nhập khẩu chính. Tuy nhiên lực bán mạnh tại mức 560, cùng với thông tin về sản lượng lúa mỳ của Canada trong niên vụ 20/21 tăng hơn 10% so với năm ngoái đã đẩy giá về lại mức hỗ trợ 550, và đóng cửa ngày ngay trên mức này. Đây cũng sẽ là tín hiệu khá tích cực đối với giá lúa mỳ về mặt kỹ thuật, nhất là trong bối cảnh nguồn cung của các nước châu Âu và Ukraina đa phần đều sẽ giảm mạnh trong năm nay.

Giaodich24