Theo nguồn tin từ Reuters, chính phủ Argentina đã thắt chặt các quy định về việc đổi ngoại tệ sau hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và hạt lấy dầu. Cụ thể, các nhà xuất khẩu sẽ có thời hạn 15 ngày để đổi đồng Dollar Mỹ (thu được từ xuất khẩu) sang đồng nội tệ Peso. Hình phạt cho các công ty không tuân thủ là cấm xuất khẩu, một hình phạt nghiêm khắc nhất từ trước tới nay.

Đây là động thái hỗ trợ đồng Peso của chính phủ Argentina, trong bối cảnh nông dân vẫn tìm đến đồng Dollar Mỹ như một công cụ trú ẩn trước sự trượt giá của Peso. Đại dịch Covid-19, lạm phát tăng cao và các vấn đề nội tại bao lâu này của nền kinh tế Argentina là nguyên nhân khiến người dân không có niềm tin vào đồng Peso.

Trong năm 2019, các doanh nghiệp xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương tại Argentina đã mang về khoản thu 12.25 tỷ USD.

Kể từ khi đồng Peso bắt đầu trượt giá mạnh so với Dollar Mỹ vào đầu năm 2014, nông dân Argentina vẫn luôn rất thận trọng trong việc quyết định nên xuất khẩu để thu về Peso hay sẽ tiếp tục găm hàng và nắm giữ đậu tương như một công cụ bảo hiểm sự trượt giá. Tình trạng này có phần giảm bớt trong giai đoạn 2016 – 2018 do kinh tế Argentina ổn định hơn khi nhận được và tuân thủ các điều kiện khoản vay từ IMF. Tuy nhiên, với đại dịch Covid-19 và việc quốc gia Nam Mỹ này gặp khó khăn khi các khoản nợ đã đến hạn, đồng Peso đang trượt giá không phanh và có thể nông dân Argentina sẽ lặp lại hành động đã diễn ra vào 6 năm trước: thà giữ đậu tương còn hơn cầm về đồng peso, khi mà ngay ngày mai đồng tiền này có thể mất vài phần trăm giá trị.

Nếu điều này xảy ra, tình trạng khan hiếm nguồn cung tại Nam Mỹ sẽ càng nghiêm trọng hơn và có thể sẽ là thông tin “bullish” hỗ trợ giá tăng trong thời gian tới.