Đậu tương và khô đậu bất ngờ giảm khá mạnh trong phiên hôm qua, nhưng đều đang có sự hồi phục nhẹ trong phiên sáng nay. Tối qua, USDA bất ngờ đăng nhầm thông báo Trung Quốc hủy mua 180,000 tấn đậu tương Mỹ, và sau đó đã nhanh chóng gỡ bỏ báo cáo này trên Website. Tuy nhiên, do các hãng tin đã nhanh chân đăng tải lên trang tin của mình, nên cũng đã gây ra một chút tâm lý hoang mang cho thị trường. Chính thông tin này đã cảnh báo thị trường sẽ giảm trong phiên tối, dù các thông tin cơ bản không “bearish” mạnh.

Đồng Real Brazil liên tục trượt giá so với Dollar Mỹ trong thời gian gần đây và đóng cửa ngày hôm qua ở mức thấp nhất trong lịch sử. Rõ ràng, việc đồng Real trượt giá sẽ tạo ra lợi nhuận tốt hơn cho nông dân xuất khẩu đậu tương của Brazil, và mỗi khi đồng Real trượt xuống các mức giá thấp mới, thì nông dân Brazil cũng kích hoạt rất nhiều lệnh bán đậu tương, dù cho giá CBOT ở vùng cao hay thấp. Nếu đồng Real vẫn tiếp tục trượt giá thêm trong thời gian tới, thị trường sẽ rất khó tăng trở lại bởi lực bán hàng vụ 2019/20 của nông dân Brazil tại thời điểm này là rất lớn, khi mà gieo trồng đã vào giai đoạn gần kết thúc. Diện tích gieo trồng đậu tương năm nay của Brazil cao hơn năm ngoái và sản lượng dự báo sẽ đạt kỷ lục, có thể vượt Mỹ trở thành nước có sản lượng lớn nhất thế giới

Rạng sáng nay, trong báo cáo Crop Progress của USDA, tốc độ thu hoạch đậu tương trong tuần trước vẫn nhanh hơn các năm trước, và hiện tiến độ đã đạt 91%, san bằng khoảng cách bị chậm hơn so với năm ngoái và kém một chút so với trung bình 5 năm qua. Với chỉ 9% diện tích chưa thu hoạch, trong khi dự báo thời tiết trong 7 – 10 ngày tới không có nguy hiểm đáng kể đối với mùa vụ, đậu tương Mỹ năm nay có vẻ như sẽ hạ cánh an toàn và năng suất không bị thiệt hại nhiều như các lo ngại trước đó. Vì thế, lo ngại về mùa vụ Mỹ sẽ không còn là yếu tố “bullish”, có thể khiến giá tăng trong thời gian tới. Yếu tố duy nhất có thể khiến đậu tương tăng mạnh vẫn là việc Mỹ - Trung sẽ ký thỏa thuận thương mại và Trung Quốc xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với đậu tương Mỹ.

  • Dự đoán đậu tương tháng 1: Giá có thể sẽ đóng cửa tăng nhẹ và đi theo trend giảm trong ngày hôm nay.
  • Dự đoán khô đậu tháng 12: Giá sẽ đi theo đậu tương và có thể mạnh hơn trong ngắn hạn, do nhận được lực mua hàng thật ở mức 300.

 

Ngô đóng cửa giảm điểm trong phiên hôm qua, khiến giá về dưới khoảng giao dịch 363 – 380 trong ngắn hạn và mô hình kỹ thuật đang khá yếu. Mặc dù ngô đang tăng nhẹ trong sáng nay, nhưng chỉ là do tâm lý chốt lời ngắn hạn của giới đầu cơ. Ngô hầu như không có yếu tố “bullish” mạnh nào về mặt cơ bản, nên giá rất khó tăng lại ở vùng lưng chừng này. Chỉ khi nào giảm về vùng hỗ trợ quan trọng 363 - 365, giống như đối với lúa mỳ ở mức 500, ngô mới có thể nhận được nhiều lực mua hơn và có thể khiến giá đảo chiều tăng trở lại.

Trong báo cáo Export Inspections tối qua, số liệu giao hàng ngô cao hơn so với tuần trước nhưng không phải là thông tin “bullish” đối với thị trường. Bởi tính từ đầu niên vụ 2019/20 tới nay, giao hàng ngô đang chậm hơn tới 7 triệu tấn so với năm ngoái. Cả bán hàng và giao hàng đều đang chậm hơn nhiều so với kế hoạch của USDA, tạo áp lực giảm xuất khẩu – tăng tồn kho trong các báo cáo tháng tới.

Về báo cáo Crop Progress tuần này, tiến độ thu hoạch ngô Mỹ tăng thêm 10% là số liệu trung bình. Tiến độ hiện nay vẫn đang bị chậm hơn 10 – 15 ngày so với các năm trước. Với 24% diện tích chưa thu hoạch, trong khi dự báo thời tiết Midwest sẽ chưa xảy ra băng giá trên diện rộng trong vòng 1 tuần tới, ngô vẫn có khả năng đạt mức thu hoạch 86 – 90% trong báo cáo tuần sau. Khi đó, thiệt hại của ngô nếu băng giá xuất hiện sẽ thấp hơn rất nhiều. Vì thế, các lo ngại về mùa vụ Mỹ hiện không còn là yếu tố “bullish” có thể tạo ra lực mua mạnh trên sàn giao dịch CBOT.

  • Dự đoán ngô tháng 12: Giá sẽ vẫn duy trì khoảng giao dịch 363 – 380. Tuy nhiên, do “room” giảm vẫn còn vài cents, nên không loại trừ khả năng giá sẽ giảm về sát 363 rồi mới nhận được lực mua kỹ thuật, sau đó đảo chiều tăng trở lại.

 

Lúa mỳ đóng cửa tăng điểm trong phiên hôm qua, chủ yếu do lực mua kỹ thuật rất mạnh xuất hiện sau khi giá giảm xuống mức hỗ trợ tâm lý 500. Do thị trường thiếu các thông tin cơ bản đặc biệt trong thời gian gần đây, nên lúa mỳ khó phá vỡ được các mức hỗ trợ - kháng cự kỹ thuật quan trọng, nên vùng giá 500 này đã tạo ra rất nhiều lượng mua và đẩy giá lên sau đó. Đến sáng nay, thị trường không tăng thêm, dù có thông tin “bullish” hỗ trợ sau báo cáo Crop Progress của USDA.

Trong báo cáo tuần này, tiến độ gieo trồng và nảy mầm lúa mỳ vụ đông của Mỹ vẫn ở mức bình thường, không chênh lệch nhiều so với các năm trước. Trong khi đó, chất lượng tiếp tục bị giảm đi 2% trong báo cáo tuần này, và hiện đã kém 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các bang tây bắc như Washington và Montana, chất lượng có chiều hướng tăng lên trong 2 tuần gần đây. Nhưng mức giảm ở vùng đồng bằng phía nam lại nhiều hơn, đặc biệt là ở Oklahoma và Texas. Dự báo những cơn mưa lớn tại phía nam trong vài ngày tới sẽ giúp cải thiện chất lượng mùa vụ và trong báo cáo Crop Progress tuần sau, chất lượng lúa mỳ vụ đông có thể sẽ không còn bị giảm nữa.

Thời tiết mùa vụ tại châu Âu và biển Đen nhìn chung vẫn ở mức tốt. Dự báo sẽ ít mưa hơn trong vài ngày tới, nhưng độ ẩm đất vẫn đủ để cây lúa mỳ có thể phát triển thuận lợi.

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 12: Giá sẽ vẫn ở trên mức 500 và có thể ít biến động hơn trong phiên hôm nay. Giaodich24.vn thiên về khả năng tăng nhẹ 3 – 5 cents.

www.giaodich24.vn