Đậu tương và dầu đậu nành đóng cửa giảm mạnh trong phiên hôm qua và đang tiếp tục giảm thêm trong sáng nay. Đậu tương giảm xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật 930, khi các thông tin về thảo thuận thương mại Mỹ - Trung không coi đậu tương là trọng tâm như các đồn đoán trước đó. Dầu đậu nành giảm điểm theo giá dầu cọ, khi mà căng thẳng giữa Ấn Độ và Malaysia đang gây sức ép khiến giá giảm liên tục trong 3 phiên gần đây. Ở chiều ngược lại, giá khô đậu do có mức độ mạnh – yếu trái ngược với dầu đậu nành trong ngắn hạn, nên vẫn được hỗ trợ ở trên mức 300 và tiếp tục mô hình tam giác đi ngang trong thời gian dài vừa qua. Tại vùng giá 300 và dưới 300, chắc chắn sẽ xuất hiện rất nhiều lệnh mua hàng pricing hàng thật và sẽ giúp khô đậu không bị giảm sâu, kể cả trong trường hợp đậu tương và dầu đậu nành giảm mạnh trong thời gian tới.

Như vậy là Mỹ và Trung Quốc đã ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đúng kế hoạch đã đề ra trước đó. Tuy nhiên, các tiết lộ xoay quanh thỏa thuận này không tích cực như những kỳ vọng. Mỹ chưa giảm thuế quan đối với Trung Quốc, cho thấy thực tế rằng sẽ phải mất ít nhất nửa năm nữa để 2 nước đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 và tiến tới việc dỡ bỏ các mức thuế nhập khẩu hiện tại. Vì thế, trong phát biểu của mình, Phó thủ tướng Trung Quốc cũng chỉ cam kết mua 40 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ (so với 50 tỷ mà Tổng thống D.Trump phát biểu). Ngoài ra, cam kết này sẽ được thực hiện dưới cơ chế thị trường, nghĩa là giá hợp lý và Trung Quốc thực sự có nhu cầu. Cam kết này khá mơ hồ, khiến các nhà phân tích hàng đầu trên thế giới đều tỏ ra lo ngại Trung Quốc sẽ không mua nhiều đậu tương Mỹ như cam kết. Bởi nhu cầu đậu tương của Trung Quốc bị giảm mạnh do dịch tả heo châu Phi, và trước đó nước này cũng đã mua rất nhiều đậu tương từ Brazil. Việc bán 5 hay 10 tàu đậu tương Brazil trong ngắn hạn, cũng không thể ngay lập tức làm dịch chuyển cán cân nhập khẩu này. Vì thế, đang không có nhiều kỳ vọng Trung Quốc sẽ mua 5 hay 10 triệu tấn đậu tương Mỹ như trước, và giá sẽ chưa có cớ để tăng mạnh trở lại.

Thời tiết mùa vụ đậu tương Brazil và Argentina nhìn chung vẫn ở mức tốt. Các vùng đang bị hạn hán ở Nam Mỹ cũng là những vùng có sản lượng đậu tương lớn, nhưng không phải lớn nhất, nên không có nhiều lo ngại như đối với ngô. Nông dân Brazil sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch trên diện rộng từ giữa tháng này, khi đó sẽ bắt đầu có hàng đậu tương vụ mới, với giá tốt hơn để bán ra. Điều này sẽ càng khiến giá đậu tương Mỹ phải cạnh tranh hơn, để các buyers Trung Quốc quyết định mua hàng. Đồng Real Brazil đang trượt giá trở lại so với Dollar Mỹ, cũng là một yếu tố kích hoạt nhiều lệnh bán từ nông dân nước này.

  • Dự đoán đậu tương tháng 3: Sell: 930, loss: 935, TP: 923
  • Dự đoán khô đậu tháng 3: Sell: ;300, loss: 302, TP: 297.

Ngô đóng cửa giảm nhẹ trong ngày hôm qua và đang tiếp tục giảm trong phiên sáng nay. Như vậy, đã hơn 1 tháng ngô đóng cửa hoàn toàn trong khoảng giao dịch 381 – 391 với diễn biến đi ngang và lình xình. Nguyên nhân do thị trường thiếu các thông tin cơ bản mới và quan trọng. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vốn không có tác động nhiều tới giá ngô. Mỹ đã kết thúc mùa vụ 2019/20, trong khi ngô vụ 1 Brazil không phải ngô vụ chính, còn Argentina cũng chỉ vừa mới gieo trồng xong. Vì vậy, ngô có thể sẽ phải đợi thêm vài tuần nữa, khi Brazil bắt đầu gieo trồng ngô vụ 2 và có các thông tin đầu tiên về gieo trồng mùa vụ Mỹ 2020/21 để có thể biến động nhiều hơn.

Trong khoảng 1 tuần gần đây, thời tiết các vùng trồng nhiều ngô tại cả Brazil và Argentina đều có những chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, dự báo thời tiết cho 3 – 5 ngày tới cho thấy thời tiết sẽ khô ráo trở lại và các vùng trồng ngô tại phía nam Brazil và Argentina sẽ tiếp tục xuất hiện những lo ngại về năng suất. Trước đó, sản lượng ngô Brazil đã bị giảm dự báo, đặc biệt là ngô trồng ở bang Rio Grande do Sul, một trong những bang có tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong năm nay.

  • Dự đoán ngô tháng 3: Buy 380, loss: 376, TP: 386

Lúa mỳ đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua, lên mức cao nhất 15 tháng trên sàn CBOT. Tuy nhiên, trước khi đóng cửa, lực bán bất ngờ xuất hiện nhiều hơn và tiếp tục kéo dài sang ngày hôm nay khiến lúa mỳ giảm nhẹ trong phiên sáng. Các thông tin cơ bản không có gì mới và thị trường có thể sẽ chú ý hơn tới báo cáo Export Sales sẽ được USDA phát hành vào lúc 20:30 tối nay.

Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, kèm theo đó là các tin đồn Trung Quốc sẽ mua thêm lúa mỳ Mỹ trong thời gian tới. Tuy có tính chất “bullish”, nhưng thông tin này không phải tin có thể khiến lúa mỳ tăng mạnh, bởi Trung Quốc không phải là nước có nhu cầu nhập khẩu nhiều lúa mỳ, mà phần lớn trong số đó thường được mua từ Ukraina và Nga. Nên khả năng Trung Quốc mua nhiều hơn 1 triệu tấn lúa mỳ Mỹ trong thời gian tới sẽ rất khó xảy ra.

Hiện nay, thị trường vẫn đang ở trạng thái “bullish”, dựa vào thông tin Nga hạn chế xuất khẩu lúa mỳ trong năm 2020 và chính phủ Nga đang ngày càng có nhiều biện pháp kiểm soát hoạt động xuất khẩu của nước này. Bên cạnh đó, việc Ai Cập liên tục mua lúa mỳ với giá cao hơn, là dấu hiệu cho thấy nhu cầu lớn và thiết yếu của các nước theo đạo Hồi, sẽ tiếp tục tạo ra lực mua trên thị trường. Chính vì vậy, yếu tố duy nhất có thể khiến lúa mỳ đảo chiều giảm điểm ở thời điểm này, là tâm lý chốt lời của giới đầu cơ, sau chuỗi tăng liên tục vừa qua.

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 3: Sell: 568.5, loss: 571.5, TP: 563 (chú ý: khi có lãi có thể cân nhắc ra sớm hơn mục tiêu TP)

TIN NGŨ CỐC 24H

Báo cáo Ép dầu hàng tháng của NOPA:

- Mời xem chi tiết trong file đính kèm.

• Báo cáo Bán hàng hàng ngày – Daily Export Sales của USDA:

- 126,000 tấn đậu tương 2019/20 cho Trung Quốc.

• Báo cáo của Hải quan Nga:

- Xuất khẩu các loại ngũ cốc của nước này trong tuần trước đạt 1.0 triệu tấn, tăng 40% so với tuần trước. Xuất khẩu ngũ cốc của Nga từ đầu niên vụ 2019/20 tới nay đã đạt 27.4 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là nước nhập khẩu nhiều ngũ cốc từ Nga nhất, với 6.6 triệu tấn từ đầu niên vụ tới nay. Đứng sau đó là Ai Cập với 3.9 triệu tấn và Bangladesh với 2.0 triệu tấn.

- Xuất khẩu lúa mỳ Nga trong tuần trước đạt 676,000 tấn, tăng 19% so với tuần trước. Xuất khẩu lúa mỳ từ đầu niên vụ 2019/20 đã đạt 22.3 triệu tấn.

- Xuất khẩu ngô trong tuần trước đạt 105,000 tấn, tăng 64% so với tuần trước. Xuất khẩu ngô từ đầu niên vụ 2019/20 đã đạt 1.7 triệu tấn.

• Báo cáo của FranceAgriMer:

- Xuất khẩu lúa mỳ mềm của Pháp ra ngoài khối EU trong niên vụ 2019/20 tăng dự báo lên mức 12.4 triệu tấn, so với mức 12.2 triệu tấn trong báo cáo tháng trước. Đây là mức tăng 27% so với niên vụ trước 2018/19 và cũng là mức tăng so với 12.0 triệu tấn trong báo cáo hồi tháng 11 và mức 11.0 triệu tấn trong dự đoán đầu tiên được đưa ra trong tháng 9.

- Xuất khẩu lúa mỳ mềm sang các nước trong khối EU dự báo đạt 8.2 triệu tấn, giảm 2% so với báo cáo tháng 12, nhưng vẫn cao hơn 8.3% so với năm ngoái.

- Tồn kho cuối vụ lúa mỳ mềm 2019/20 của Pháp được giữ nguyên dự báo ở mức 2.4 tiệu tấn, không đổi so với báo cáo tháng trước.

• Bộ nông nghiệp Trung Quốc dự báo nhập khẩu đậu tương của nước này trong năm 2020 sẽ tăng so với năm ngoái, nhưng không đưa ra số liệu cụ thể. Trong năm 2019, theo số liệu sơ bộ từ Hải quan, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đạt 88.58 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 88.08 triệu tấn đã nhập khẩu trong năm 2018.

Giaodich24