Đậu tương đóng cửa giảm điểm trong tuần trước, dầu đậu nành đóng cửa giảm rất mạnh, còn khô đậu đóng cửa tăng điểm. Đến sáng nay, giá các mặt hàng đều đi cùng hướng với mức tăng khá mạnh ngay sau khi mở cửa tuần mới, là dấu hiệu cho thấy bên mua có thể sẽ mạnh lên trong tuần này. Các thông tin về virus Corona tuy vẫn đáng lo ngại nhưng không còn là thông tin mới và không thể gây shock cho thị trường. Vì thế, đậu tương sẽ quay trở lại đi theo các yếu tố nội tại của mình, trong đó cung – cầu vẫn đóng vai trò quyết định tới xu hướng giá.

Khô đậu đang hướng đến chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp với mức tăng khá mạnh. Các buyers tại châu Á, trong đó có Việt Nam đã mua vào khá nhiều các hợp đồng tháng 5 – 6 – 7 trong cuối tuần trước. Với việc giá CBOT tăng mạnh, basis hầu như không đổi, giá flat chào tối nay có thể sẽ ở mức cao và không còn là mức giá hấp dẫn để mua vào nữa.

Thị trường sẽ dành rất nhiều sự chú ý đối với sự thay đổi chính sách của Argentina trong hôm nay. Tổng thống Argentina sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội vào chủ nhật (giờ Argentina), và thị trường sẽ chờ xem liệu có sự thay đổi về thuế xuất khẩu đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành giống như các dự đoán hay không. Nếu thuế xuất khẩu thực sự tăng thêm 3% nữa, chắc chắn sẽ có các cuộc đình công lớn tại Argentina, và ít nhất cũng khiến giá basis các mặt hàng tăng mạnh. Đây có thể sẽ là thông tin “bullish” chính đối với thị trường trong ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ có lo ngại về tình trạng thiếu mưa tại Argentina và thu hoạch chậm tại Brazil là các yếu tố có thể khiến giá tăng. Nhưng tại thời điểm này, các yếu tố về mùa vụ Nam Mỹ không phải là yếu tố đủ mạnh để có thể tạo ra 1 xu hướng tăng lớn.

*** Các yếu tố Bullish (khiến giá tăng):

+ Tồn kho cuối vụ Mỹ 19/20 giảm mạnh so với năm ngoái. USDA dự đoán tồn kho 20/21 sẽ tiếp tục giảm thêm.

+ Tại Argentina, thuế xuất khẩu có thể sẽ sớm được tăng thêm 3%. Nếu điều này xảy ra, sẽ có các cuộc đình công lớn, ảnh hưởng tới xuất khẩu.

+ Tại Brazil, vẫn có các cuộc biểu tình và đình công, ảnh hưởng tới xuất khẩu.

+ Mùa vụ Nam Mỹ đang có một số lo ngại. Hạn hán ở Argentina và thu hoạch chậm ở Brazil.

+ Trung Quốc cho biết họ sẽ giữ nguyên cam kết mua nông sản của Mỹ.

*** Các yếu tố Bearish (khiến giá giảm):

+ Virus Corona đang gây ra lo ngại toàn cầu. Ngoài ra, các dịch cúm gia cầm như H5N6 và H1N1 cũng tạo ra lo ngại giảm nhu cầu TĂCN tại rất nhiều quốc gia.

+ Sản lượng đậu tương Brazil và Argentina nhìn chung vẫn được dự báo ở mức cao.

+ Đồng Real Brazil vẫn đang ở vùng giá thấp nhất trong lịch sử so với Dollar Mỹ, sẽ tạo ra nhiều lực bán từ nông dân nước này.

+ Trung Quốc chưa mua nhiều đậu tương Mỹ như kỳ vọng sau thỏa thuận thương mại.

  • Dự đoán đậu tương tháng 5: Giá có thể sẽ tăng điểm trong hôm nay và nếu vượt 900 có thể sẽ tăng điểm theo phân tích kĩ thuật và ở trên mức 900 trong cả tuần này.

  • Dự đoán khô đậu tháng 5: Giá có thể sẽ tiếp tục mạnh hơn đậu tương trong tuần này, nhưng mức tăng sẽ không mạnh hơn nhiều, do vùng giá không còn thấp để hấp dẫn nhiều lực mua hàng thật nữa.

  • Dự đoán dầu đậu tháng 5:

 

Ngô đóng cửa giảm điểm khá nhiều trong tuần trước với chuỗi giảm điểm liên tục, trước khi đà giảm bị chặn lại trong phiên thứ sáu. Sang đến đầu tuần này, tâm lý chốt lời và mua bắt đáy đang khiến ngô tăng trở lại. Thị trường chưa có thông tin cơ bản nào đặc biệt, nên tâm lý lo ngại về virus Corona sẽ vẫn có tác động đáng kể lên giá. Mặc dù tình hình dịch vẫn nghiêm trọng, nhưng các thông tin cập nhật không còn gây shock cho thị trường và sẽ khó khiến ngô giảm mạnh hơn.

Trên thị trường hàng thật, giá flat các hợp đồng ngô tháng 5 – 6 – 7 hiện đang ở mức tốt, đã kích hoạt rất nhiều lệnh mua từ buyers Hàn Quốc, Nhật Bản, và cũng đang làm hài lòng các buyers Việt Nam. Có khá nhiều lệnh mua hàng từ Việt Nam đã được đẩy ra thị trường vào thứ sáu tuần trước, và Giaodich24 dự đoán các buyers sẽ tiếp tục mua hàng nhiều hơn trong tuần này. Giai đoạn tháng 3 và tháng 4 là giai đoạn Mỹ chuẩn bị gieo trồng vụ mới, và cũng là giai đoạn phát triển đối với ngô vụ 2 tại Brazil, nên thời tiết sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì sự bất ổn của thời tiết, nên việc pricing hàng thật ở vùng giá này sẽ mang đến sự an toàn cho các buyers Việt Nam.

Trong tuần này, các thông tin từ Argentina sẽ có nhiều tác động đối với thị trường. Mặc dù ngô không nằm trong diện tăng thuế xuất khẩu, nhưng nếu chính phủ Argentina tăng thuế xuất khẩu ngô cũng không có gì bất ngờ. Chính phủ đoán trước được sự phản đối của thị trường trong nước, nhưng việc tăng thu ngân sách là bắt buộc. Theo một số chuyên gia, gánh nặng tăng thuế xuất khẩu hoàn toàn có thể được san sẻ từ đậu tương sang ngô và mức tăng lên 15% hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu đúng như nhận định này (dù xác suất chỉ là 50 – 50), giá ngô có thể sẽ tăng mạnh. Tại Mỹ, nông dân sẽ chuẩn bị gieo trồng ngô vụ mới từ giữa tháng 3. Thời tiết tại Midwest nhìn chung chưa có gì đáng lo, nhưng độ ẩm đất không ở mức lý tưởng như những năm trước. Trong khi đó, tại Brazil, lo ngại về tiến độ ngô vụ 2, cùng với thời tiết hạn hán tại Argentina sẽ là các yếu tố “bullish” hỗ trợ giá ngô trong thời gian tới.

*** Các yếu tố Bullish (khiến giá tăng):

  • Tồn kho cuối vụ ngô Mỹ 2019/20 sẽ có năm giảm thứ 3 liên tiếp.
  • Tồn kho cuối vụ ngô thế giới 2019/20 cũng có năm giảm thứ 3 liên tiếp.
  • Tại Nam Mỹ đang có những lo ngại về thời tiết tại cả Brazil và Argentina.
  • Mùa vụ ngô Trung Quốc đang bị đe dọa bởi sâu keo mùa thu và châu chấu.
  • Chính sách tăng nhiên liệu sinh học của Mỹ sẽ tăng sản xuất ethanol từ ngô.
  • Argentina có thể tăng thuế xuất khẩu, sẽ khiến nguồn cung xuất khẩu giảm đi.
  • Đình công của nông dân Argentina và tài xế xe tải tại Brazil sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu ngô Nam Mỹ.

*** Các yếu tố Bearish (khiến giá giảm):

  • USDA Ag Outlook Forum dự đoán nông dân Mỹ sẽ tăng diện tích trồng ngô 20/21 và tồn kho cuối vụ ở mức cao nhất từ trước tới nay.
  • Tiến độ xuất khẩu ngô Mỹ đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch của USDA.
  • Dịch cúm Virus Corona vẫn tạo ra sự hỗn loạn ở Trung Quốc, nay tiếp tục diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Ấ, sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu TĂCN của các quốc gia này.
  • Dịch cúm gia cầm H5N6 ở cả Trung Quốc và Việt Nam, sẽ ảnh hưởng tới nhập khẩu ngô của các nước này.
  • Dịch tả heo châu Phi vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu ngô của các nước châu Á.
  • Dự đoán ngô tháng 5: Giá có thể sẽ đảo chiều tăng trở lại trong tuần này, có thể có mức tăng tương đương so với tuần trước.

 

Lúa mỳ đóng cửa tuần trước với mức giảm rất mạnh, dù thị trường không có thông tin cơ bản nào quá đặc biệt. Tác động tiêu cực của virus Corona lên thị trường hàng hóa vẫn là thông tin “bearish” chính và là nguyên nhân khiến lúa mỳ giảm điểm. Sang đến đầu tuần này, thị trường có gapdown sau khi mở cửa, nhưng giá đang tăng nhẹ sau đó. Mô hình kĩ thuật của lúa mỳ nhìn chung đang ở trạng thái “bearish” và hỗ trợ gần nhất đang ở mức 520 trên biểu đồ tháng 5 trên sàn Chicago.

Về mùa vụ, mặc dù báo cáo Crop Progress tuần trước của USDA cho thấy chất lượng lúa mỳ tăng ở toàn bộ các vùng sản xuất lúa mỳ vụ đông lớn ở vùng đồng bằng phía nam. Tuy nhiên, chất lượng bị giảm rất mạnh ở bang Montana, cho thấy các bang khác ở phía tây bắc như Washington và Idaho cũng có tình trạng tương tự. Vì thế, lo ngại về mùa vụ lúa mỳ Mỹ vẫn còn và sẽ vẫn là yếu tố tác động “bullish” đối với thị trường, bên cạnh sản lượng sụt giảm rất mạnh ở Úc.

Tại Pháp, chất lượng lúa mỳ liên tục bị giảm trong các báo cáo hàng tuần của France Agri Mer, cho thấy thời tiết tại châu Âu đang không thuận lợi. Mùa vụ lúa mỳ Pháp có thể đại diện cho mùa vụ tại Đức và Ý bởi các nước này thường có chung một khung thời tiết. Vì thế, sản lượng lúa mỳ ở các nước này đang bị đe dọa sẽ giảm dự đoán trong thời gian tới, nếu thời tiết không có cải thiện đáng kể.

Về xuất khẩu, thông tin đáng chú ý nhất trong tuần trước là việc Bộ nông nghiệp Nga chưa chính thức thông qua hạn ngạch xuất khẩu 20 triệu tấn ngũ cốc trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, nhiều thông tin cho rằng hạn ngạch này sẽ được áp dụng, vấn đề chỉ là thời gian. Còn theo các thương nhân, nguồn cung xuất khẩu ngũ cốc của Nga trong giai đoạn 6 tháng đầu năm thường không đạt 20 triệu tấn, nên hạn ngạch sẽ có ít tác động đến xuất khẩu của nước này.

*** Các yếu tố Bullish (khiến giá tăng):

  • Tồn kho cuối vụ lúa mỳ Mỹ 19/20 thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Tồn kho 20/21 dự báo sẽ còn giảm thấp hơn.
  • Diện tích gieo trồng lúa mỳ vụ đông 2020 tại Mỹ ở mức thấp thứ 2 trong lịch sử.
  • Chất lượng lúa mỳ vụ đông của Mỹ vẫn đang gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt là ở các bang phía tây bắc.
  • Sản lượng lúa mỳ Úc giảm mạnh do hạn hán. Mùa vụ châu Âu cũng có nhiều lo ngại, chất lượng lúa mỳ Pháp và Đức thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
  • Mùa vụ lúa mỳ Trung Quốc đang bị đe dọa bởi nạn châu chấu.
  • Nga có những chính sách kiểm soát và hạn chế xuất khẩu lúa mỳ trong năm 2020.

*** Các yếu tố Bearish (khiến giá giảm):

  • Tồn kho cuối vụ lúa mỳ Mỹ vẫn đang ở mức cao trong lịch sử.
  • Tồn kho cuối vụ lúa mỳ thế giới đang được dự báo ở mức cao nhất trong lịch sử.
  • Sản lượng lúa mỳ tại Argentina và Ấn Độ tốt hơn so với các kỳ vọng trước đó.
  • Dịch cúm Virus Corona đang có tác động tiêu cực đến thị trường ngũ cóc nói chung.

 

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 5: Giaodich24 vẫn duy trì quan điểm “bullish” đối với giá lúa mỳ trong ngắn hạn. Khi lo ngại về virus Corona giảm bớt, thị trường có thể sẽ đảo chiều tăng lại nhanh chóng.

 

Giaodich24