Trung Quốc cần nỗ lực gia tăng nguồn cung than đá càng sớm càng tốt nhằm “cứu vớt” nền kinh tế khỏi tình trạng giảm tốc trong quý cuối cùng của năm 2021. Nhưng mối quan hệ không mấy “êm ả” giữa Bắc Kinh với Canberra có thể khiến cho những nỗ lực của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn rất nhiều, theo ngân hàng đầu tư Mizhuo. 

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, xuất phát từ nhiều yếu tố. Các yếu tố đó bao gồm: thời tiết cực đoan, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu tăng cao và tham vọng của chính phủ trung ương nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính - chủ trương được phát động bởi Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Trung Quốc là một quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là quốc gia phát thải khí CO2 lớn nhất toàn cầu. Quốc gia này chủ yếu sản xuất điện thông qua các nhà máy nhiệt điện đốt than, nhưng số lượng than còn lại trong các nhà máy điện lớn đang ở ngưỡng thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua, ghi nhận trong tháng 8. 

“Trong khi Trung Quốc đang rất cần than để có thể tránh khỏi nguy cơ giảm tốc nền kinh tế trong quý IV do tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, những căng thẳng địa chính trị giữa quốc gia này với Australia lại chính là những bất lợi lớn cản trở khả năng tiếp cận của họ với nguồn than giàu kcal của Down Under”, theo Vishnu Varathan, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược kinh tế khu vực châu Á và châu Đại Dương của ngân hàng Mizhuo. 

download94-1488-1633415962.jpg

Trung Quốc đang trong tình trạng thiếu than. Ảnh: Reuters.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã dừng nhập khẩu than từ Australia, quốc gia từng là nhà xuất khẩu than lớn nhất tới nền kinh tế số hai thế giới. Quyết định này được đưa ra khi những căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia leo thang nhanh chóng, sau khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc. 

Để thay thế Australia, Trung Quốc đã tìm đến Indonesia, Mông Cổ, Nga và nhiều quốc gia khác để có thể bù đắp cho lượng than nhập khẩu từ quốc gia châu Đại Dương. Trong năm ngoái, các công ty khai thác than của Indonesia đã ký kết các hợp đồng cung cấp than trị giá tới 1,5 tỷ USD với Trung Quốc. 

Indonesia là một ứng cử viên sáng giá có thể đáp ứng nhu cầu từ Trung Quốc, nhưng khả năng vận chuyển than từ quốc gia này tới Trung Quốc lại là một điểm nghẽn, Varathan cho biết. 

Trung Quốc đang phải đối mặt với những rủi ro trong quá trình mua than liên quan đến một loạt các khó khăn liên quan đến quá trình vận chuyển và pháp lý. Điều đó đồng nghĩa với việc khả năng xuất hiện các nguy cơ “gián đoạn các hoạt động kinh tế và những nút thắt trong chuỗi cung ứng của khu vực” là rất lớn, Varathan cho biết. 

Áp lực lạm phát

Tính tới thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc do tình trạng thiếu điện. 

Nhiều nhà quan sát tỏ ra lo lắng về “mức độ nghiêm trọng của cú sốc giá năng lượng”, Varathan chia sẻ. 

Tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc có thể khiến giá của nhiều loại hàng hóa xuất khẩu tăng cao, qua đó dẫn tới rủi ro lạm phát tại các nền kinh tế phát triển, theo Kevin Xie, nhà kinh tế học châu Á tại Commonwealth Bank of Australia.

Các hạn chế trong quá trình cung cấp điện có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, và làm trầm trọng hóa thêm những ảnh hưởng tiêu cực sẵn có từ lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc. 

“Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế sử dụng điện. Giá trị sản xuất công nghiệp tại các tỉnh bị ảnh hưởng và đang áp dụng các biện pháp cắt giảm công suất sử dụng điện chiếm tới 14% GDP của Trung Quốc. 

HIện tại, các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra quyết định liệu Trung Quốc có quay trở lại nhập khẩu than của Australia hay không. Giới truyền thông trong tuần trước đã đưa tin rằng các công ty Ấn Độ đã mua lại 2 triệu tấn than của Australia với mức giá ưu đãi đang tồn đọng trong các nhà kho tại Trung Quốc. 

 Link gốc tại đây.

Theo NDH