Phiên giao dịch 22/7 kết thúc khi giá hầu hết các mặt hàng, từ dầu đến vàng, kim loại cơ bản… đều đi lên.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng phiên thứ 3 liên tiếp do triển vọng nhu cầu hồi phục tốt. Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 1,56 USD, hay 2,2%, lên 73,79 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,61 USD, hay 2,3%, lên chốt phiên ở mức 71,91 USD/thùng.

Trong phiên 21/7, cả dầu WTI và giá dầu Brent đều có thời điểm tăng tương ứng 4,6% và 4,2%.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm được gọi là OPEC+, cuối tuần trước đã nhất trí tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong giai đoạn tháng 8-12/2021.

Các nhà giao dịch trong phiên này cũng đánh giá số liệu về dự trữ nhiên liệu của Mỹ. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô của nước này bất ngờ tăng 2,1 triệu thùng trong tuần trước, đạt 439,7 triệu thùng, tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5. Tuy nhiên, tồn kho tại Cushing, Oklahoma giảm trong 6 tuần liên tiếp và đạt mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020 trong tuần trước.

Trng khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết nước này có thể bắt đầu cấm xuất khẩu xăng trong tuần tới nếu giá nhiên liệu trên sàn giao dịch trong nước vẫn ở mức hiện tại, cho thấy dấu hiệu nguồn cung dầu mỏ hạn chế hơn trong tương lai.

Các nhà phân tích của Barclay cũng dự kiến tồn kho dầu toàn cầu giảm nhanh hơn dự kiến xuống mức trước đại dịch. Ngân này nâng dự báo giá dầu năm 2021 thêm 3 tới 5 USD lên 69 USD/thùng. Về phía mình, Morgan Stanley dự báo dầu Brent sẽ giao dịch từ khoảng 75 đến 79 USD/thùng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021.

Trên thị trường kim loại quý, gía vàng cũng tăng do thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, mặc dù USD mạnh lên.

Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.804,45 USD/ounce; vàng giao sau tăng 0,1% lên 1.805,40 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu Mỹ đã giảm xuống sau khi chạm gần mức cao của một tuần. Còn đà tăng lúc đầu của các chỉ số chứng khoán đã bị chặn lại sau số liệu cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ bất ngờ tăng lên mức cao của hai tháng, qua đó thúc đẩy một số dòng tiền "chảy" sang vàng.

Nhà giao dịch Michael Matousek từ tổ chức đầu tư U.S. Global Investors, có trụ sở tại Texas (Mỹ), nhận định lạm phát đang tăng cao, theo đó khó có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong ngắn hạn, dẫn đến xu hướng “ôm” vào vàng.

Vàng cũng được hỗ trợ bởi cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong một thời gian dài của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ) cho hay cả Fed và ECB đều rất “đồng lòng” trong việc giữ lãi suất thấp trong một thời gian dài và điều này có lợi cho vàng trong dài hạn.

Cuộc họp chính sách sắp tới của Fed diễn ra sau những bình luận từ Chủ tịch Jerome Powell, trong đó gợi ý rằng ngân hàng trung ương này sẽ duy trì các chính sách hiện nay bất chấp các chỉ số lạm phát tăng đột biến gần đây.

Về những kim loại quý khác, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 25,29 USD/ounce, giá palladium tăng 1,9% lên 2.704,01 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,8% lên 1.088,43 USD/ounce.

Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do lượng tồn kho giảm. Theo đó, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch LME tăng 1,1% lên 9.451 USD/tấn.

Tồn kho đồng của sàn LME giảm xuống 210.775 tấn nhưng theo đà tăng kể từ tháng 2.

Giá quặng sắt Đại Liên giảm phiên thứ 4 liên tiếp, giảm hơn 7% xuống mức thấp nhất trong gần 3 tuần, do triển vọng nhập khẩu quặng sắt tăng trong khi nhu cầu dịu đi bởi quyết định giảm sản lượng của chính phủ.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 5,3% xuống 1.138 CNY/tấn, trong phiên có lúc giá giảm 7,3% xuống 1.115 CNY (172,51 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 2/7; quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe tại Trung Quốc giảm 4 USD xuống 217,5 USD/tấn trong ngày 21/7, theo số liệu từ công ty tư vấn SteelHome.

Giá thép thanh kỳ hạn tháng 10 tăng 1,1% lên 5.648 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng giảm 0,3% xuống 5.947 CNY/tấn. Thép không gỉ kỳ hạn tháng 8 tại Thượng Hải đóng cửa tăng 0,1% lên 18.575 CNY/tấn.

Chính phủ Trung Quốc quyết định kiểm soát sản lượng thép chặt chẽ trong năm nay, có thể ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu thô. Trong khi đó, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc dường như tăng trong tháng này, có khả năng dẫn đến dư cung.

Trên thị trường nông sản, giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago giảm 2,6%, mất chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp do các thương nhân chốt lời từ đợt tăng này. Giá đậu tương giảm 2% với các dự báo thời tiết mới nhất cho thấy một số cơn mưa đúng lúc ở các vùng trồng trọt chủ chốt khi cây trồng đang ở giai đoạn phát triển quan trọng. Trong khi đó, giá ngô cũng giảm mạnh với các dấu hiệu nhu cầu xuất khẩu suy yếu.

Cụ thể, giá ngô kỳ hạn tháng 12 đóng của giảm 7-1/4 US cent xuống 5,61-1/4 USD/bushel; đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 giảm 27-1/4 US cent xuống 13,62-1/2 USD/bushel; lúa mì đỏ mềm vụ đông giảm 18-1/2 US cent xuống 6,92-1/4 USD/bushel.

Đường thô kỳ hạn tháng 10 lúc đóng cửa giảm 0,05 US cent hay 0,3% xuống 17,62 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 3,4 USD hay 0,8% xuống 447 USD/tấn.

Băng giá cũng ảnh hưởng tới một số khu vực trồng mía tại Brazil nhưng không nhiều do những khu vực bị ảnh hưởng đã được thu hoạch.

Tuy nhiên các đại lý cho biết trừ khi các yếu tố kinh tế vĩ mô chuyển sang tiêu cực, đường sẽ có xu hướng tăng do ước tính sản lượng có thể giảm trong những tuần tới bởi băng giá và hạn hán trước đó.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 lúc đóng cửa tăng 17,65 US cent hay 10% lên 1,9365 USD/lb, trong phiên giá đã đạt 1,95 USD/lb cao nhất kể từ tháng 11/2014. Giá đã tăng gần 20% trong tuần này; robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 110 USD hay 6,2% lên 1.889 USD/tấn.

Các nhà thương mại đang đánh giá thiệt hại từ băng giá tới vụ cà phê của Brazil, trong đó nghiêng về khả năng mức thiệt hại lên đến 1-2 triệu bao.

Tại Châu Á, cà phê nhân xô được bán giá 36.500 – 37.200 đồng (1,59 – 1,62 USD)/kg so với giá 37.000 – 37.2000 đồng/kg một tuần trước; cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ được chào giá bán ở mức trừ lùi 80 – 90 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 (ngày 21/7), ổn định so với tuần trước.

Tại Indonesia, cà phê robusta Sumatra được chào mới mức trừ lùi 100 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 và tháng 11 trong tuần này, giảm từ mức trừ lùi 50 USD trong tuần trước.

Giá hàng hóa thế giới sáng 23/7/2021

 

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg