Trong khi có những mã đã phục hồi sau phiên bán tháo chứng khoán vừa qua thì nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục suy giảm. "Sốc" nhất là những cổ phiếu đột ngột giảm sàn chỉ ít phút cuối phiên.

Thị trường chứng khoán đã trải qua một phiên giao dịch đầy khó khăn, chật vật trong ngày 25/1. Các chỉ số diễn biến gây ức chế và mệt mỏi.

Sau những cú rung lắc phiên sáng, ở phiên đầu chiều, VN-Index có một nhịp "bull-trap" (tăng giá) lên vùng 1.170 điểm nhưng sau đó quay đầu và giảm ở thời điểm đóng cửa.

Kết quả toàn phiên, chỉ số chính giảm 0,73 điểm tương ứng 0,06% còn 1.166,05 điểm. HNX-Index cũng bất ngờ "sụt hố" trong những phút cuối cùng, giảm mạnh 8,27 điểm tương ứng 3,45% còn 231,84 điểm. UPCoM-Index giảm 0,18 điểm tương ứng 0,23% còn 77,42 điểm.

Đắng lòng nhìn tiền bốc hơi khi đầu tư chứng khoán - 1

 

Đắng lòng nhìn tiền bốc hơi khi đầu tư chứng khoán - 2

 

Diễn biến như "đánh võng" của các chỉ số trong phiên 25/1

Tín hiệu đáng chú ý tại thời điểm này là thanh khoản đang thu hẹp lại. Tổng khối lượng giao dịch toàn phiên trên HSX phiên 25/1 là 707,23 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 15.785,58 tỷ đồng.

Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 146,27 triệu đơn vị tương ứng 2.087,77 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 49,93 triệu cổ phiếu tương ứng 682,3 tỷ đồng.

Trong phiên này, độ rộng thị trường tuy có nghiêng nhẹ về phía các mã tăng giá, song không cách biệt đáng kể với số lượng mã giảm. Có tổng cộng 476 mã tăng, 106 mã tăng trần so với 440 mã giảm, 31 mã giảm sàn.

Nhóm tăng trần tiếp tục là cổ phiếu penny với khối lượng giao dịch mạnh tại FLC, ROS, LDG. Theo đó, FLC tăng trần lên 6.270 đồng, khớp lệnh tới 33,4 triệu đơn vị. ROS tăng trần lên 4.570 đồng, khớp 33,25 triệu đơn vị. LDG cũng khớp 10 triệu cổ phiếu, tăng trần lên 8.370 đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng trong phiên hôm qua tăng như vũ bão. HBC tăng trần lên 17.850 đồng, khớp lệnh hơn 16 triệu đơn vị. KBC tăng trần lên 45.500 đồng; DXG tăng trần lên 21.400 đồng, ASM tăng trần lên 20.500 đồng…

Ngược lại, nhóm ngành tài chính, chứng khoán tiếp tục bị bán ra. Những mã đầu ngành, có kết quả kinh doanh tốt cũng trong diện chốt lời của nhà đầu tư.  SSI, VCI, VND, SHS, KLB, MBS, VIX, AGR, BSI, TVS, CTS… đồng loạt giảm.

Cùng với đó, VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, ACB, BVH, STB, HDB, SHB, EIB… nhuốm sắc đỏ lên bảng điện tử. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra khó hiểu về tình trạng suy giảm ở những mã cổ phiếu này.

"Thật khó hiểu vì sao những mã cổ phiếu tại các ngành kinh doanh tốt như chứng khoán, ngân hàng lại giảm! Tôi nắm cổ phiếu SHB vì nghĩ rằng giá cổ phiếu sẽ tăng nhờ kết quả kinh doanh tốt, không ngờ chỉ trong ít ngày đã lỗ tới hơn 10% tài khoản" - anh Nguyễn Văn Toàn, một nhà đầu tư ở Hà Nội cho hay.

Tuy nhiên, theo một số môi giới chứng khoán lý giải thì việc những cổ phiếu ngành chứng khoán, ngân hàng giảm có nguyên nhân từ áp lực chốt lời, nhất khi là các nhà đầu tư lướt sóng đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu giá rẻ ở phiên 20/1.

Một lý do khác cũng khá thuyết phục cho hiện tượng này đó là giá cổ phiếu phản ánh kỳ vọng nhà đầu tư. Do đó, với những doanh nghiệp đã tăng trưởng nóng thời gian qua, thông tin về kết quả kinh doanh đã phản ánh hết vào giá ở giai đoạn trước. Ngược lại, có doanh nghiệp kinh doanh thu lỗ nhưng giá vẫn tăng do nhà đầu tư tin vào triển vọng ở kỳ kinh doanh tiếp theo.

"Sốc" nặng nhất là những nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu TTF. Phiên hôm qua TTF loanh quanh ở ngưỡng tham chiếu, nhưng ở phiên khớp lệnh xác định giá đống cửa (ATC), mã này bất ngờ giảm sàn xuống 5.980 đồng.

Chị Hà Linh - một nhà đầu tư F0, trải lòng: "Tôi mới tham gia thị trường chứng khoán khoảng 4 tháng trở lại đây. Thị trường này thú vị nhưng cũng cần sức chịu đựng cao, khả năng quản trị tài sản và quản lý cảm xúc tốt. Ở những phiên giao dịch rung lắc mạnh như thế này, nhìn tài sản bốc hơi thật xót ruột".

 

Theo Dân trí