Phố Wall đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tháng. Dow Jones tăng 0.63%, S&P 500 tăng 1.13% trong khi Nasdaq tăng 1.28%. Cả S&P 500 lẫn Nasdaq đều lập đỉnh lịch sử mới, vượt qua mức đỉnh trước đó hôm 27/11.

Nhà đầu tư tập trung theo dõi cập nhật về các vaccine Covid-19 tiềm năng và việc phân phối toàn cầu khi các hãng dược phẩm nộp hồ sơ xin nhà chức trách cấp phép. Giá cổ phiếu Pfizer tăng gần 3% sau khi hãng dược phẩm Mỹ cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech xin cấp phép sử dụng khẩn cấp với vaccine Covid-19 của họ tại châu Âu. Moderna cũng đang có động thái tương tự.

“Có sự lạc quan khi chúng ta đón nhận thông tin về vaccine”, Bill Northey, giám đốc đầu tư cấp cao tại US Bank Wealth Management, Minneapolis, bang Minnesota, nói. “Khi xem xét về giải pháp y tế, chúng ta như đang ngồi trên một lò xo bị nén nhưng cần thời gian để nó bung ra”.

Chứng khoán thế giới trước đó được thúc đẩy nhờ số liệu từ Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất tháng 11 tăng nhanh nhất 10 năm. Một số quốc gia khác cũng ghi nhận sự phục hồi tốt của các nhà máy. Tuy nhiên, tại Mỹ, đà phục hồi này phần nào giảm trong tháng 11.

Nhà đàu tư theo dõi các phát biểu từ Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và chủ tịch Fed Jerome Powell tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện. Hai người đã nhất trí về sự cần thiết phải hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi đó, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng công bố dự luật 908 tỷ USD nhằm phá thế bế tắc giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa trong quá trình thương lượng về gói hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp nhỏ, người thất nghiệp, các hãng hàng không.

Giá vàng thế giới tăng hơn 2% lên 1,815.2 USD/ounce, phục hồi từ đáy 5 tháng, nhờ USD giảm giá và triển vọng về gói hỗ trợ mới từ chính phủ Mỹ làm tăng nhu cầu mua tài sản an toàn để phòng hộ lạm phát.

Dollar Index tiếp tục giảm mạnh 0.61% xuống mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Đồng Real Brazil tăng mạnh 2.44% so sụ suy yếu của đồng Dollar.

Giá dầu thô WTI giảm 1.7% xuống 44.55 USD/thùng trong khi giá dầu thô Brent giảm gần 1% xuống 47.42 USD/thùng.

Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngoài giờ sau khi số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy tồn kho tại Mỹ tăng 4,1 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược dự báo giảm 2,4 triệu thùng từ giới phân tích.

OPEC cùng các đồng minh, tức OPEC+, hoãn họp về chính sách sản lượng từ ngày 1/12 về ngày 3/12. OPEC+ dự kiến nới lỏng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 1 từ mức giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện tại. Tuy nhiên, nhóm đang cân nhắc gia hạn giữ nguyên sản lượng trong vài tháng đầu năm 2021, quan điểm được Arab Saudi ủng hộ, trong khi Nga muốn tăng sản lượng dần dần.

Nguồn cung tăng sẽ ảnh hưởng đến đợt tăng gần đây của giá dầu – tăng khoảng 27% trong tháng 11 – và một số quốc gia lo ngại giá dầu xuống thấp vì lực cầu vẫn yếu và nguy cơ Covid-19 tái bùng phát.