Phố Wall đồng loạt tăng điểm. Cụ thể Dow Jones tăng 0.15% S&P 500 tăng 0.39% và Nasdaq tăng 0.87%.

Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, năng lượng và công nghệ tăng nhiều nhất, chỉ dịch vụ và chăm sóc sức khỏe chốt phiên trong sắc đỏ.

Cả ba chỉ số chính tăng điểm sau khi lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer nói lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã nhất trí nối lại đàm phán để bàn về gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo.

“Chúng ta từng chứng kiến điều này, nhà đầu tư đổ xô sang cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng khi nền kinh tế có dấu hiệu chững lại”, Ryan Detrick, chiến lược gia cấp cao về thị trường tại LPL Financial, Charlotte, bang North Carolina, nói. “Nhưng mọi thứ giờ đây thay đổi với hy vọng về kế hoạch kích thích tiếp theo”.

“Rõ ràng các thị trường đang phục hồi nhờ tâm lý lạc quan đó”.

Dù vậy, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 vẫn khiến nhà đầu tư hướng đến nhóm cổ phiếu tăng trưởng dẫn dắt thị trường từng bộc lộ tính bền vững trước đại dịch.

Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor diễn biến vượt trội so với thị trường chung, tăng 1,6%.

“Trong thế giới Covid-19, bán dẫn là lựa chọn an toàn bởi lĩnh vực này không bị ảnh hưởng nhiều vì lệnh phong tỏa”, Detrick cho biết thêm.

Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăng trong tuần trước, cho thấy tình trạng bị sa thải gia tăng trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng và lo ngại phong tỏa xã hội tiếp tục gây sức ép lên thị trường lao động.

Mùa báo cáo lợi nhuận quý III đang cận kề vạch đích với 472 công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, 84,5% số này vượt kỳ vọng chung.

Cổ phiếu Tesla tăng giá phiên thứ ba liên tiếp, chạm đỉnh lịch sử sau khi công ty này sắp được đưa vào chỉ số S&P 500.

Giá vàng thế giới giảm 1% do USD tăng giá và tiến triển trong quá trình nghiên cứu vaccine giúp thúc đẩy kỳ vọng kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Dollar Index giảm 0.06% đánh dấu chuỗi sáu phiên giảm liên tiếp kể từ cuối tuần trước.

Đồng Real Brazil tăng 1.07% một phần do sự suy yếu của đồng Dollar.

Giá dầu thô WTI giảm 0.2%, giá dầu thô Brent giảm 0.32%.

“Covid-19 chắc chắn đang gây sức ép lên thị trường”, Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, New York, nói, Với dầu thô, có nguy cơ xuất hiện cuộc chiến giá mới tại OPEC. “Tôi nghĩ họ sẽ đạt thỏa thuận nhưng 24 giờ trước đó, mọi thứ như có vẻ đã an bài”.

Lo ngại về lực cầu vẫn hiện hữu. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ vượt mốc 250.000, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nhật Bản và Nga tăng mạnh. Nhiều khu vực ở Mỹ thắt chặt hạn chế để ngăn dịch bệnh lây lan, New York City đã đóng cửa trường công lập.

Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya (NOC) và Total của Pháp đang bàn về khả năng NOC tăng sản lượng cùng năng lực sản xuất.

OPEC+, gồm OPEC và đồng minh, sẽ họp vào ngày 30/11 – 1/12 để bàn về chính sách nguồn cung. Các nguồn thạo tin nói OPEC+ sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2021.