Phố Wall đồng loạt giảm điểm. Cụ thể Dow Jones giảm 2.29% S&P 500 giảm 1.86% và Nasdaq giảm 1.64%.

S&P 500 năng lượng giảm 3,47% do giá dầu giảm hơn 3%. Các ngành nhạy cảm với kinh tế và tài chính trong S&P 500 cũng giảm sâu.

Mỹ, Nga và Pháp đều ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày cao kỷ lục. Số ca nhập viện vì Covid-19 tại Mỹ lên đỉnh hai tháng.

Cổ phiếu liên quan đi lại – nhóm dễ thiệt hại bởi các lệnh hạn chế để phòng Covid-19 – giảm mạnh. Chỉ số S&P 1500 hàng không giảm 5,6% trong khi cổ phiếu nhà vận hành du thuyền Carnival Corp mất 8,66%, Royal Caribbean Cruises mất 9,65% – nhiều nhất trong số các công ty thuộc S&P 500.

“Lo ngại Covid-19 tái bùng phát, phe Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa đạt gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo khiến nhà đầu tư bất an”, Michael Arone, giám đốc đầu tư chiến lược tại State Street Global Advisors, Boston, bang Massachusetts, nói. “Đó là hai yếu tố lớn nhất tạo ra đà giảm”.

“Từ khía cạnh nhà đầu tư, bất ổn đang khiến họ ở ngoài lề. Do đó, nói chung là bạn thấy không có bên mua”, King Lip, giám đốc chiến lược tại Baker Avenue Asset Management, San Francisco, bang California, nhận định.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã trao đổi với nhau về gói hỗ trợ Covid-19. Pelosi vẫn lạc quan hai bên có thể đạt thỏa thuận trước ngày bầu cử.

Chỉ số CBOE VIX – thước đo sợ hãi của Phố Wall – lên cao nhất hơn 7 tuần trong bối cảnh bất ổn liên quan bầu cử Mỹ gia tăng. Khoảng 60 triệu người dân Mỹ đã bỏ phiếu sớm, con số cao kỷ lục, khi ứng viên Cộng hòa Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden bước vào tuần vận động tranh cử cuối cùng.

Giá vàng thế giới tương đối ổn định trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh và USD phục hồi.

Dollar Index tăng 0.33% trong phiên đầu tuần nay, lên 93.07.

Đồng Real Brazil giảm nhẹ 0.10%, tiếp nối đà giảm từ cuối tuần trước.

Giá dầu thô WTI giảm 3.2%, giá dầu thô Brent giảm 3.1%.

Mỹ ghi nhận hai ngày có số ca nhiễm mới Covid-19 cao nhất trong cuối tuần trước. Số ca nhiễm mới tại Pháp tăng kỷ lục, vượt mốc 50.000 hôm 25/10. Italia và Tây Ban Nha đã phải áp đặt các hạn chế mới để ngăn virus lây lan.

“Đó là ngày thứ Hai đen tối với thị trường dầu”, Bjornar Tonhaugen, giám đốc thị trường dầu tại Rystad Energy, nói. “Chúng ta từ lâu đã cảnh báo về ‘làn sóng thứ hai’ với các biện pháp nghiêm ngặt liên quan Covid-19 có thể tái triển khai và giờ đây điều đó thực sự diễn ra”.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya (NOC) ngày 23/10 thông bảo sản lượng của quốc gia này sẽ chạm 1 triệu thùng/ngày trong những tuần tới, nhanh hơn dự báo từ giới phân tích. Diễn biến này làm phức tạp thêm nỗ lực hạn chế nguồn cung của OPEC và đồng minh, tức OPEC+.

“Thứ thị trường không cần nhất lúc này là cung tăng”, Warren Patterson, giám đốc chiến lược hàng hóa tại ING, cho biết.

Tổng thư ký OPEC nói đà phục hồi trên thị trường dầu có thể kéo dài hơn kỳ vọng khi Covid-19 tiếp tục bùng phát trên thế giới.

OPEC+ dự định tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 sau khi cắt giảm sản lượng kỷ lục trong năm nay.

OPEC+ không được bất cẩn trong việc giải quyết lượng cung tăng thêm trên thị trường, nếu không số ngày giá dầu ổn định không còn nhiều, theo nhà môi giới dầu Tamas Varga của PVM.

Lĩnh vực năng lượng tại vùng duyên hải vịnh Mexico chuẩn bị đối mặt cơn bão mới với nhiều công ty Mỹ đã tạm dừng khai thác dầu ngoài khơi khi bão Zeta xuất hiện, dự kiến đổ bộ đất liền ngày 28/10.