Phố Wall đồng loạt giảm trong phiên đầu tuần. Dow Jones giảm 0.9%, S&P 500 giảm 0.46% còn Nasdaq giảm 0.06%.

Hầu hết các lĩnh vực chính trong S&P 500 giảm, dẫn dầu là năng lượng, trong khi công nghệ tăng nhờ lực kéo từ cổ phiếu Apple.

IHS Markit tăng mạnh nhất S&P 500 sau thông tin gã khổng lồ công nghệ S&P Global đồng ý mua lại nhà cung cấp thông tin tài chính này theo thỏa thuận 44 tỷ USD – sẽ là thương vụ mua bán và sáp nhập lớn nhất 2020 nếu thực hiện.

Việc tái cơ cấu danh mục đầu tư cuối tháng ảnh hưởng đến thị trường ngày 30/11, theo giới phân tích, khi nhà đầu tư chốt lời sau một tháng thị trường tăng tốt nhờ tiến triển trong nghiên cứu vaccine Covid-19.

“Tôi cho rằng thị trường ngày 30/11 giảm là do lo ngại về Covid-19 và phần nào là sự điều chỉnh”, Sam Stovall, giám đốc đầu tư chiến lược tại CFRA, nói. “Khi chạy nước rút và thở dốc, bạn buộc phải giảm tốc độ và bình tĩnh lại”.

Nhà đầu tư trong tuần chú ý đến bài phát biểu của chủ tịch Fed Jerome Powell trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày 1/12, báo cáo Sách Xám được Fed công bố ngày 2/12 và báo cáo việc làm hàng tháng ngày 4/12.

Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar ngày 30/11 cho biết hai vaccine Covid-19 đầu tiên có thể sẵn có tại Mỹ trước Giáng sinh. Cổ phiếu Moderna tăng mạnh sau khi hãng dược phẩm công bố kế hoạch xin cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ và châu Âu đối với vaccine của công ty.

Giá vàng thế giới giảm 0.4% xuống 1780.9 USD/ounce, thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây do kỳ vọng vaccine Covid-19 giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế khiến tài sản an toàn kém sức hút.

Dollar Index tăng nhẹ trở lại 0.16% sau 4 phiên giảm liên tiếp.

Đồng Real Brazil tăng nhẹ 0.23% trong phiên đầu tuần sau khi giảm trong cuối tuần trước.

Giá dầu thô WTI giảm 0.4% trong khi giá dầu Brent giảm 1.2% trong phiên cuối tháng. Chốt tháng 11, giá hai loại dầu tăng khoảng 27%, tốt nhất kể từ tháng 5, nhờ kỳ vọng vaccine Covid-19 giúp hoạt động kinh tế và lực cầu phục hồi sớm hơn.

Thị trường đang chờ đợi kết quả cuộc họp của OPEC và đồng minh, tức OPEC+, trong hai ngày 30/11 và 1/12 về chính sách sản lượng. OPEC+ đang giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày và dự định nới lỏng sản lượng 2 triệu thùng từ đầu năm 2021.

OPEC+ hoãn bàn về chính sách nguồn cung 2021 tới ngày 3/12, theo ba nguồn thạo tin, do các bên còn bất đồng về sản lượng nên khai thác trong bối cảnh lực cầu yếu.

“Ngay cả khi vaccine Covid-19 được cấp phép sử dụng khẩn cấp, thị trường vẫn hiểu rằng cần có sự hỗ trợ nào đó từ OPEC trong vài tuần tới”, theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois.