Phố Wall chốt tuần giảm nhẹ. Cụ thể, Dow Jones giảm 1%, S&P 500 giảm 0.5% còn Nasdaq giảm 1.1%.

Bất ổn liên quan tiến trình đàm phán gói hỗ trợ kinh tế kế tiếp ảnh hưởng đáng kể đến Phố Wall những phiên gần đây.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói vẫn có thể đạt gói hỗ trợ Covid-19 trước ngày bầu cử 3/11 nhưng điều đó phụ thuộc vào hành động từ Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả trao đổi với phe Cộng hòa ở Thượng viện, nếu ông ấy muốn.

Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng bà Pelosi phải thỏa hiệp để có gói hỗ trợ, vẫn còn khác biệt đáng kể giữa chính quyền Cộng hòa và phe Dân chủ.

Dù vậy, thị trường tin cuối cùng cũng sẽ có một gói hỗ trợ được thông qua. Câu hỏi duy nhất là quy mô và thời gian, theo giới phân tích.

“Thị trường chịu tác động từ gói hỗ trợ suốt vài tuần qua – phiên hôm nay là bằng chứng rõ ràng hơn nữa”, Lindsey Bell, giám đốc đầu tư chiến lược tại Ally Invest, Charlotte, bang North Carolina, nói.

“Thị trường tin chúng ta sẽ có một gói hỗ trợ nhưng muốn biết khi nào được thông qua bởi dòng tiền cần có thời gian để chảy vào nền kinh tế”.

Trong khi đó, khoảng 50 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, mức cao kỷ lục, vượt tổng bỏ phiếu sớm của năm 2016.

Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden ngày 22/10 tranh luận trực tiếp lần cuối để thu hút số ít cử tri còn lưỡng lự trước ngày bầu cử. Ông chủ Nhà Trắng vẫn bị cựu phó tổng thống Mỹ dẫn trước trong kết quả các thăm dò toàn Mỹ sau cuộc tranh luận. Khoảng cách chênh lệch thu hẹp hơn tại một số bang chiến địa có tính quyết định kết quả bầu cử.

Mùa báo cáo lợi nhuận quý III tiếp tục với 135 công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, 84% số này vượt kỳ vọng.

Giá vàng thế giới chốt tuần, giá vàng giao ngay tại sàn New York giảm 3,8 USD xuống 1.901,3 USD/ounce, chốt tuần tăng 0,3%. Giá vàng tương lai giữ ở 1.905,2 USD/ounce, chốt tuần giảm 0.1%.

Dollar Index chốt tuần giảm 0.98% xuống mức 92.77.

Đồng Real Brazil chốt tuần tăng nhẹ 0.45%, sau khi giảm 2.01% trong tuần trước nữa.

Giá dầu thô WTI chốt tuần giảm 2.5%, giá dầu thô Brent tăng 2.7%.

Số liệu tồn kho tại Mỹ không giúp ích nhiều cho thị trường trước nguy cơ nguồn cung tăng trở lại, thể hiện ở số giàn khoan dầu tăng và sản lượng từ Libya có xu hướng đi lên.

Cụ thể, tồn kho tại Mỹ giảm 1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/10 xuống còn 488,1 triệu thùng. Tồn kho xăng tăng cho thấy lực cầu nhiên liệu vẫn yếu, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Tuy nhiên, cơ quan này lại mang đến bất ngờ khi ước tính sản lượng tại Mỹ giảm còn 9,9 triệu thùng, thấp hơn 600.000 thùng/ngày so với tuần trước đó.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần triển khai thêm 5 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan hoạt động lên 287, cao nhất kể từ tháng 5, công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes cho biết.

Số giàn khoan dầu tăng 6 lên 211 trong khi số giàn khoan khí đốt giảm 1 xuống 73. Số giàn khoan nhàn rỗi vẫn giữ ở 3. Số giàn khoan dầu Mỹ – chỉ báo cho sản lượng trong tương lai – liên tục tăng từ mức 180 của tuần kết thúc ngày 4/9.

Trong khi đó, sản lượng từ Libya – gần như không có từ tháng 1 – dần phục hồi, hiện là 500.000 thùng/ngày vào có thể tăng hơn nữa vào cuối tháng 10.

 “Doanh số thấp cùng lợi nhuận cận biên kém cho thấy nguy cơ lực cầu dầu thô tại Mỹ có thể biến mất cho đến quý I”, Scott Shelton, nhà môi giới năng lượng tương lai tại ICAP, Durham, bang North Carolina, nói.